Áo dài - câu chuyện văn hóa

Phạm Thanh Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cuối tuần ở phố đi bộ Bờ Hồ, rồi đến Phố sách 19/12… giữa muôn sắc màu thời trang, người ta thấy sự hiện diện thường xuyên của kiểu thời trang đang gây tranh cãi gần đây: Áo dài cách tân. Kiểu thời trang này vẫn đang thịnh hành - một thứ model rất phụ nữ, thuộc mọi lứa tuổi.

Phải nói rằng, dịp Tết Nguyên Đán vừa rồi là thời điểm “lên ngôi” của áo dài cách tân. Nhưng cũng ngay sau đó nó vấp phải một cuộc tranh luận gay gắt, người bảo chuyện cách tân trang phục là hết sức bình thường, người cho rằng phản cảm, bởi lai căng, thiếu bản sắc. Tôi không dám bàn về cái gọi là bản sắc dân tộc từ kiểu áo dài này, nhưng còn nhớ mãi câu chuyện của một cô gái Việt trẻ sang Mỹ du học. Hôm đó, trường cô tổ chức dạ tiệc, đây là dịp để các sinh viên phô bày cá tính của mình, cao hơn là thể hiện sự đặc sắc văn hóa trong trang phục của quốc gia mình. Và cô đã đến dạ hội với bộ áo dài truyền thống, trang phục thịnh hành ở Việt Nam. Cô không ngờ rằng chính bộ áo dài của cô đã khiến các sinh viên khác sững sờ. Đơn giản bởi bấy lâu, người Mỹ biết đến người Việt Nam chủ yếu là ấn tượng về cuộc chiến tranh mà nước Mỹ đã sa lầy. Rất nhiều bạn Mỹ nghĩ rằng, tóc đen da vàng thì dễ là người Nhật hay người Trung Quốc. Tất nhiên, sau đó sự hiểu lầm được hóa giải. Bằng sự chân thành của mình, cô gái đã khiến các bạn Mỹ hiểu rằng người Việt Nam thân thiện, nhân ái, yêu hòa bình, chứ không như cách mà họ nghe nói đến trước đó. Câu chuyện ở đây là về chiếc áo dài. Chiếc áo dài cho người nước ngoài nhận biết người phụ nữ Việt Nam trong số những quốc gia châu Á khác.
Áo dài cách tân thực chất chỉ là một biến tấu khác của tà áo dài, vốn được coi là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt. Nếu nói đẹp, theo tôi khó có thể coi là đẹp, nhưng một khi đã tạo được trào lưu, tự khắc những thứ bình thường sẽ trở nên “hút khách”. Tuy nhiên, tôi thấy phụ nữ luôn đẹp khi mặc áo dài, dù họ làm việc hay đi chơi, đi dạo phố. Một điều đặc biệt là áo dài, cũng như áo phông, sơ mi, quần bò, là những trang phục… không bao giờ lỗi mốt. Thời nào người ta cũng tạo được phong cách với những trang phục đó. Phong cách ấy còn nằm ở cái cách mà người diện trang phục đi đứng, nói cười, nằm ở phong thái mà người diện trang phục ấy hòa mình vào nhịp sống đương đại. Chiếc áo dài dù truyền thống hay cách tân luôn có một vẻ riêng trên người phụ nữ chốn Hà thành là bởi nơi vóc dáng ấy luôn ẩn chứa nét tế nhị, uyển chuyển, nhẹ nhàng và nền nã. Cứ thử nghĩ đến cảnh mấy cô gái diện áo dài mà đứng “họp chợ” nói cười bả lả, thậm chí vênh váo chửi đổng, thì thử hỏi áo dài có còn nét đẹp của áo dài? Hay là “Áo đi đường áo, người đi đường người” trong cảm nhận của người đối diện?
Người Hà Nội thanh lịch, hào hoa, trang nhã. Thiếu nữ Hà Nội với tà áo dài trắng bên những đóa hoa loa kèn tháng Tư trong tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân mãi là một kiệt tác, không chỉ trong hội họa mà cả trong đời sống đương đại. Áo dài cách tân có “phi bản sắc” hay không, có được nóng sốt mãi hay không, điều này thời gian sẽ lên tiếng. Nhưng sẽ có những người phụ nữ Thủ đô biết cách lựa chọn trang phục, để vẫn trang nhã, lịch sự mà không giống số đông, nói theo cách thông thường bình dân là “không đụng hàng”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần