Áo dài Trạch Xá rộn ràng đón Xuân

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữ gìn, phát huy nghề may áo dài truyền thống đã có từ hàng ngàn năm, những người thợ tài hoa làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa) đã đưa tà áo dài dân tộc đến với mọi miền Tổ quốc và “phủ sóng” khắp năm châu.

Ngàn năm áo dài Trạch Xá

Những ngày cuối năm, làng nghề may áo dài Trạch Xá trở nên nhộn nhịp, tấp nập hơn. Những chuyến xe trả hàng của các hộ làng nghề cũng di chuyển gấp gáp, kịp trả cho khách trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Trưởng thôn Trạch Xá Nghiêm Văn Miến vui mừng cho biết, cả thôn có 520 hộ dân thì có tới hơn 80% số hộ làm nghề may áo dài, trong đó, khoảng 200 hộ có cửa hàng quy mô để trưng bày, bán sản phẩm và luôn tiếp nhận những đơn đặt hàng khá lớn từ khắp mọi miền đất nước.

Ông Nghiêm Xuân Đạt thực hiện công đoạn đo áo dài cho khách hàng

Tự hào khi nói về sức lan tỏa của sản phẩm áo dài quê hương, Giám đốc Hợp tác xã làng nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá Nghiêm Xuân Đạt chia sẻ: “Ngày 12 tháng Chạp vừa qua, thôn tổ chức giỗ Tổ nghề. Ngày này, không chỉ Nhân dân trong làng, mà nhiều người con của Trạch Xá đi lập nghiệp ở mọi miền tổ quốc như: Lạng Sơn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, TP Hồ Chí Minh... đều trở về quê hương, dâng hương tại Đền thờ Tổ nghề may áo dài Trạch Xá, cùng nhau tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ nghề”.

Cũng theo ông Đạt, từ những năm 1910, bố mẹ ông đã đưa nghề may áo dài lên phố cổ Hà Nội để làm kế sinh nhai, dần dần mở được nhiều cửa hiệu tại các phố: Chợ Mơ, Huế, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Hàng Chiếu... Nối tiếp truyền thống gia đình, năm 1999, ông Đạt bắt đầu kinh doanh riêng. Những năm sau đó, sản phẩm của gia đình ông không chỉ cung cấp cho các cửa hàng, đại lý bán áo dài ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước: Italia, Australia, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc...

Đến nay, gia đình ông Đạt xây dựng được chuỗi cửa hàng may áo dài truyền thống trên các phố: Chùa Bộc, Lương Thế Vinh, xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) và các tỉnh Ninh Bình, Bắc Kạn... tạo việc làm thường xuyên cho trên dưới 100 thợ (tùy đơn hàng, thời điểm).

“Doanh thu từ các cửa hàng lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Riêng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trung bình mỗi cửa hàng của gia đình xuất bán từ 500 - 1.000 bộ áo dài” - ông Nghiêm Xuân Đạt cho hay.

Có thâm niên làm nghề gần 30 năm, ông Nghiêm Văn Tuấn, ở xóm Chùa, thôn Trạch Xá đã đến TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) lập nghiệp từ năm 1995. Ban đầu chỉ là cửa hiệu nhỏ, dần dần, vợ chồng ông phát triển thành cửa hàng lớn.

“Áo dài hoàn toàn làm thủ công, khâu tay, trung bình một ngày, người thợ khâu được từ 3 - 4 chiếc. Sản phẩm áo dài của gia đình chủ yếu phục vụ khách hàng ở TP Lạng Sơn, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi 300 - 400 triệu đồng. Các con của tôi sau khi học xong phổ thông cũng theo nghề cha và đều có cửa hàng riêng” - ông Nghiêm Văn Tuấn chia sẻ.

Giữ “lửa” nghề

Với mong muốn gìn giữ, phát huy nghề truyền thống, năm 2011, Hợp tác xã làng nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá đã được thành lập thu hút hơn 200 thành viên là những thợ may áo dài, con em làng Trạch Xá tham gia.

Người thợ làng Trạch Xá tỷ mỷ trong từng công đoạn may áo dài.

Trạch Xá hiện có hơn 80% số thợ làm nghề là những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ nhưng có thâm niên tới hàng chục năm tuổi nghề, tay kim, tay kéo thoăn thoắt và khéo léo. Trong số này có tới 40% số thợ trẻ mở cửa hàng riêng ở khắp nơi. Nhiều cửa hàng nổi tiếng và thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: Áo dài Minh Hạnh (quận Tây Hồ), áo dài Trường Thủy (huyện Gia Lâm), áo dài Tuấn Hằng (tỉnh Ninh Bình)...

Những người thợ làng Trạch Xá luôn tự tin với nét đặc trưng riêng của áo dài Trạch Xá được khách hàng ưa chuộng là do được khâu tay hoàn toàn, tà áo mềm mại, dáng áo thướt tha. Áo dài Trạch Xá có giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng/bộ. Thậm chí có những chiếc áo làm theo đơn đặt hàng của khách, được thêu tay bằng chỉ lụa và vàng 24k, có giá tới hơn 200 triệu đồng

Không chỉ “sống khỏe” với nghề may áo dài truyền thống, người dân Trạch Xá mà còn tích cực đóng góp, xây dựng quê hương. Trưởng thôn Trạch Xá Nghiêm Văn Miến nhẩm tính, chỉ tính riêng năm 2014, người dân trong thôn và những người đi làm ăn xa quê đã đóng góp khoảng 2 tỷ đồng để xây dựng mới Đền thờ Tổ nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Lâm Lê Hùng Mạnh, nhiều hộ làm nghề ở Trạch Xá có thu nhập ổn định từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Vinh dự và tự hào cho Nhân dân và cán bộ thôn Trạch Xá khi đầu tháng 1/2020, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Áo dài Trạch Xá”. Đây là động lực quan trọng để Hòa Lâm tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích các hộ làm nghề mở rộng sản xuất, phát triển thương hiệu. Từ đó, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.