Áo vẫn ủng hộ dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 bất chấp sức ép từ Mỹ

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trả lời phỏng vấn với đài truyền hình ORF, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz khẳng định nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga.

Ngày 20/2, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz khẳng định nước này tiếp tục ủng hộ thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
 Đề cập đến dự án tuyến khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nhấn mạnh rằng nước này quan tâm đến các nguồn cung năng lượng đáng tin cậy và sẽ tiếp tục thúc đẩy dự án vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức bất chấp chính quyền Mỹ phản đối việc thực hiện dự án này.
 "Ông Trump đã nói rõ rằng Mỹ phản đối dự án này. Chúng tôi biết điều này. Chúng tôi ủng hộ dự án này vì chúng tôi quan tâm đến việc cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy cho Áo”, Thủ tướng Kurz nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ORF của Áo.
Ông Kurz cũng nhấn mạnh thêm rằng, dự án này đã được cấp phép tại châu Âu, và Áo sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2.
"Việc mua khí đốt từ Mỹ sẽ không phải là vấn đề đối với chúng tôi. Nhưng giá khí đốt của Nga rẻ hơn so với Mỹ, vì vậy Nga sẽ là đối tác cung cấp nguồn năng lượng hấp dẫn hơn đối với chúng tôi. Hơn nữa, trên cương vị đã từng là một doanh nhân, ông Trump hoàn toàn  có thể hiểu rõ chúng tôi có những lợi ích khác đối với dự án này”, nhà lãnh đạo Áo nêu rõ.
Dòng chảy Phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn Gazprom với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (muộn nhất vào cuối năm 2019), mỗi năm, hệ thống đường ống dài 1.225 km này sẽ vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên EU thông qua biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.
Các nước Đức, Thụy Điển, Áo và Pháp đã cấp phép xây dựng dự án này. Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối của Ukraine, Latvia, Litva và Ba Lan vì cho rằng dự án mang màu sắc chính trị.
Ngoài một số nước châu Âu, Mỹ cũng là nước phản đối dự án vận chuyển trực tiếp khí đốt từ Nga tới Đức này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần