Áp lực tâm lý đè nặng, chứng khoán châu Á giảm mạnh

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường cổ phiếu châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng ở phiên 3/6 do lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái nếu Mỹ tăng thuế lên hàng hóa Mexico.

Thị trường chứng khoán châu Á giao dịch kém khởi sắc trong phiên giao dịch này do nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng trước tình trạng gia tăng căng thẳng Trung - Mỹ và các mối đe dọa thuế quan mới đối với Mexico có thể khiến tăng trưởng kinh tế thế giới chững lại.
Lời cảnh báo của ông Trump về việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico đã tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán toàn cầu.
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 3/6.
Tại thị trường Trung Quốc, các chỉ số chứng khoán đồng loạt đi xuống trong phiên 3/6, với chỉ số tổng hợp Thượng Hải sụt 0,49%, chỉ số Thâm Quyến hạ 0,81% và chỉ số tổng hợp Thâm Quyến cũng giảm hơn 1,124%.
Tại sàn Hồng Kông (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng mất 0,35%. Cổ phiếu của HSBC niêm yết tại sàn Hồng Kông giảm 1,25%, trong khi công ty bảo hiểm nhân thọ AIA giảm 1,49%.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương, không tính thị trường Nhật Bản đi ngang sau khi giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng trong phiên trước đó.
Dữ liệu của một cuộc khảo sát tư nhân công bố hôm 3/6 cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5 lạc quan hơn dự báo. Theo cuộc khảo sát này, chỉ số quản lý mua hàng của các nhà máy tại Trung Quốc Caixin/Markit trong tháng 5 đạt 50,2 điểm, cao hơn so với dự báo của 50 nhà phân tích trong một cuộc thăm dò ý kiến ​​của Reuters. Chỉ số PMI cho tháng 4 là 50,2. Chỉ số PMI trên 50 ám chỉ sự mở rộng và ngược lại cho thấy sự thu hẹp.
Dữ liệu Chính phủ Trung Quốc công bố hôm 31/5 cho biết chỉ số PMI sản xuất chính thức trong tháng 5/2019 đạt mức 49,4, thấp hơn dự báo 49,9 của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Trong khi đó, chỉ số PMI sản xuất tháng 4/2019 là 50.1.Chỉ số PMI trên 50 ám chỉ sự mở rộng và ngược lại cho thấy sự thu hẹp.
Tại thị trường chứng khoán Nhật Bản,  chỉ số Nikkei 225 hạ 1,3%  và chỉ số Topix cũng giảm 1,20%. Cổ phiếu của tập đoàn Softbank đã chứng kiến đà lao dốc hơn 5% sau khi Tạp chí Phố Wall báo cáo công ty đang đối mặt với những thách thức trong việc huy động tiền cho quỹ mới nhất của mình.
Tuy nhiên, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng hơn 0,82% khi cổ phiếu của Samsung Electronics và nhà sản xuất chip SK Hynix cũng nhích hơn 2%.
Tại thị trường Australia, chỉ số ASX 200 hạ 0,89% do gần như tất cả các cổ phiếu đều giảm.
Một chiến lược gia kinh tế mô tả môi trường hiện tại là rất khó khăn đối với thị trường cổ phiếu toàn cầu.
“Đây là thời điểm nhạy cảm để bạn lựa chọn tài sản đầu tư an toàn. Vì vậy, phần lớn các nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng thay vì đưa ra  quyết định liều lĩnh”, chuyên gia Jonathan Jonathan Garner - giám đốc điều hành thị trường mới nổi tại Morgan Stanley, phát biểu với hãng tin CNBC hôm 3/6.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm xuống còn 97,612 điểm sau khi tăng lên 98,1 điểm.
So với yen Nhật, đồng USD giảm xuống còn 108,15 yen Nhật sau khi tăng lên tỷ lệ 1 USD đổi được 109,5 yen trong phiên giao dịch trước đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần