APEC 2017: Thúc đẩy tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp nữ MSMEs

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), tiếp nối Hội thảo về “Tăng cường đổi mới sáng tạo cho các DN khởi nghiệp”,trong 2 ngày 4-5/10 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Ban Thư ký APEC Quốc tế tổ chức Hội thảo “Tăng cường thúc đẩy tiếp cận thị trường cho các DN nữ siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) thông qua Thương mại điện tử (TMĐT)”.

Mục tiêu của Hội thảo là nhằm nâng cao nhận thức cũng như kiến thức về TMĐT cho các DN MSMEs do phụ nữ làm chủ; chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất về TMĐT cho các DN MSMEs nói chung, MSMEs do phụ nữ lãnh đạo nói riêng, đặc biệt ở hai khía cạnh: các thông lệ tốt nhất từ góc độ quản lý chính phủ và từ góc độ DN; đưa ra các khuyến nghị cho Nhóm công tác DN nhỏ và vừa APEC (SMEWG) và Nhóm Quan hệ đối tác Chính sách về Phụ nữ và Kinh tế APEC (PPWE), nhằm tạo điều kiện cho các DN MSMEs do phụ nữ lãnh đạo tiếp cận thị trường thông qua TMĐT.
Diễn giả và đại biểu tham dự Hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện quan chức chính phủ các nền kinh tế thành viên APEC; các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tài chính, DN, và đại diện một số hiệp hộivà DN đến từ các nền kinh tế thành viên APEC.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, trong thời đại ngày này, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối vớimục tiêu tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Thực tế là có khoảng 600 triệu phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, và các MSMEs do phụ nữ làm chủ đã có đóng góp đáng kể vào việc tạo ra công ăn việc làm, thu nhập, giúp xoá đói, giảm nghèo. Mặc dù việc tăng cường trao quyền cho phụ nữ trong nền kinh tế đang được đẩy mạnh, các DN MSMEs do nữ lãnh đạo vẫn thường khó tiếp cận các cơ hội kinh doanh do thiếu kiến thức, kinh nghiệm, tài chính, thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh, nguồn nhân lực, kỹ năng, vànăng lực cạnh tranh với các DN lớn hơn.
TMĐT được coi là một trong các công cụ hiệu quả để thu hẹp khoảng cách và đối phó với các thách thức kể trên. TMĐT cho phép các DN do phụ nữ làm chủ mở rộng mạng lưới kinh doanh và tăng cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề là MSMEs do phụ nữ lãnh đạo thường gặp khó khăn trong việc tận dụng TMĐT do thiếu kiến thức, sự hiểu biết và kỹ năng về TMĐT... để giúp họ tiếp cận thị trường, cạnh tranh với các đối thủ để tồn tại và phát triển.
Đánh giá chung về triển vọng của các DN nữ trong lĩnh vực TMĐT, Giáo sư William Wang, chuyên gia cao cấp về Quản trị chuỗi cung ứng nhận định, phụ nữ hiện chiếm một nửa dân số thế giới, theo đó, lực lượng này đã tham gia và đóng góp tích cực vào các chuỗi giá trị và sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu. Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới tăng trưởng bền vững là việc cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và bình đẳng giới cho phái nữ. Theo đánh giá của các tổ chức kinh tế, nếu các yếu tố trên được cải thiện, quy mô tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2015 có thể đã tăng thêm từ 8.000 - 12.000 tỷ USD. Theo thống kê, 90% các DN do nữ giới làm chủ có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và vừa. DN nữ hiện chiếm 38% trong các lĩnh vực dịch vụ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó 65% thuộc về TMĐT.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách Đa biên phát biểu tại Hội thảo 
Bên cạnh những thách thức, các DN nữ còn thiếu cơ hội để tăng cường kĩ năng, kiến thức, trong khi hầu hết phụ nữ châu Á do tập quán văn hoá xã hội vẫn còn chưa tích cực, chủ động mở rộng mạng lưới kinh doanh. Đa phần các DN nữ nhỏ và vừa (SME) đều phải đối mặt với tình trạng hạn chế về tài chính, thiếu sự hỗ trợ từ khuôn khổ chính sách, bởi không phải nền kinh tế nào cũng đảm bảo sự tiếp cận công bằng đối với tài chính cho nam và nữ. Qua đó, các chính phủ cần tăng cường hỗ trợ đào tạo nữ giới, bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, đặc biệt là ở những khu vực vùng sâu vùng xa, giúp họ nâng cao kĩ năng và kiến thức thông qua việctiếp cận công nghệ thông tin (CNTT) và tham gia môi trường TMĐT. Đặc trưng của các SME hoạt động trong TMĐT là mô hình linh hoạt và nhu cầu vốn không lớn, do đó, các thể chế tài chính có thể đưa ra những cơ chế hỗ trợ vốn linh hoạt cho các DN nữ. CNTT ngày nay đã xoá bỏ mọi khoảng cách về không gian và thời gian, là công cụ hữu ích để xoá đói giảm nghèo, qua đó, cùng với sự hỗ trợ từ gia đình, phụ nữ có thể tận dụng CNTT để học hỏi ngay cả ở những nơi hạ tầng công nghệ kém phát triển. Điều đó sẽ giúp họ tăng cường kĩ năng và kiến thức, tạo ra cơ hội tăng thu nhập và củng cố vai trò trong xã hội.
Bà Jane Melville Allen - Giám đốc điều hành công ty marketing số Demand Generatorđến từ New Zealand chia sẻ,với nền tảng kĩ thuật số hiện nay, TMĐT có thể giúp DN tiếp cận khách hàng toàn cầu. Giá trị cốt lõi trong TMĐT là cung cấp dịch vụ thông tin một cách tin cậy và đầy đủ trên nền tảng điện tử, dựa trên công nghệ số, nhân viên có thể linh hoạt làm việc trên môi trường mạng. Là nữ doanh nhân, TMĐT đã góp phần tạo ra sự bình đẳng về giới, bởi khi làm việc trên môi trường mạng sẽ không có sự phân biệt đối xử, giúp DN nữ có thểcạnh tranh công bằng với nam giới.
Tiếp tục chủ đề về những thách thức và giải pháp đối với DN nữ, Chủ tịch khối DNNVV khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Jerry Ho cho rằng nữ DN sẽ rất khó thành công nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè. Hiện trên thế giới có khá nhiều DN khởi nghiệp do nữ giới làm chủ, tuy nhiên điều quan trọng là sự bền vững và phát triển lâu dài, khi so với nam giới, DN nữ còn thiếu hiểu biết về TMĐT và khả năng tăng cường kết nối trực tiếp với khách hàng.
Hiện nay, các DN nữ đang phải đối mặt với những khó khăn về phân biệt đối xử khi tham giamôi trường kinh doanh mà nam giới chiếm đa số. Tuy nhiên, sự xuất hiện của TMĐT sẽ góp phần đối phó các thách thức trên, giúp các DN nữ mở rộng mạng lưới kinh doanh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhìn chung, các diễn giả tham gia Hội thảo đều nhận định DN nữ đang còn gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực TMĐT và thiếu các kĩ năng tiếp cận thị trường để cạnh tranh và phát triển.
Trong thời gian qua, các nền kinh tế thành viên APEC đã cam kết thúc đẩy sự tham gia của nữ giới trong kinh doanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã triển khai các chương trình hỗ trợ DN nữ tham gia TMĐT, qua đó cho thấy tầm quan trọng của TMĐT trong nền kinh tế số, mối quan hệ chặt chẽ giữa hiệu quả của TMĐT và tăng trưởng chung. Tới đây, APEC sẽ cần tiếp tục đưa ra các giải pháp giúp DN nữ tăng cường năng lực và tạo ra sự cạnh tranh trong nền kinh tế số, thông qua những kế hoạch hành động cụ thể giành cho các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực TMĐT.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần