Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhất về cả tầm vóc và quy mô trong dịp Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (SOM 2 APEC) và các cuộc họp liên quan, do Việt Nam phối hợp với Ban Thư ký APEC quốc tế và Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) tổ chức.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến tham dự và có bài phát biểu quan trọng. Tại phiên khai mạc, đồng Chủ tịch của Hội đồng PECC Donald Campbell cũng có bài phát biểu chào mừng.
Diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đang trải qua những thay đổi nhanh chóng, Diễn đàn APEC chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới, Đối thoại là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm triển khai chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo APEC tại Hội nghị cấp cao năm 2016 và đóng góp vào nỗ lực chung của các thành viên trong việc chuẩn bị cho tương lai của Diễn đàn trong những thập kỷ tới.
Với ý nghĩa đó, Đối thoại đã thu hút sự tham gia rộng rãi của khoảng 300 đại biểu là các quan chức cao cấp của APEC, Trưởng các cơ quan đại diện các nền kinh tế APEC tại Hà Nội, lãnh đạo doanh nghiệp, học giả có uy tín, đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng các tổ chức xã hội và giới truyền thông. Lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành và địa phương của Việt Nam đã tham dự.
Trong số khách mời có nhiều nguyên lãnh đạo, Bộ trưởng các nền kinh tế thành viên và các tổ chức quốc tế, như Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan - Nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2006; Nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại In-đô-nê-xia Mari Elka Pangestu, Nguyên Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan Narongchai Akrasanee.
Sau phiên khai mạc, các đại biểu đã tham dự hai phiên toàn thể với chủ đề "APEC trong một thế giới thay đổi nhanh chóng" và "APEC hướng tới năm 2020 và tương lai."
Phát biểu dẫn đề tại phiên toàn thể thứ nhất, nguyên Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy nhận định thương mại mở mang lại nhiều lợi ích, song để nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân, cần có các chính sách xã hội phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong một "thế giới thương mại đang thay đổi."
Tại phiên này, các đại biểu đã nghe các bài tham luận và tích cực tham gia thảo luận về triển vọng của thế giới đến năm 2050; những thay đổi trong trật tự và quản trị kinh tế toàn cầu cũng như của cục diện kinh tế khu vực và Diễn đàn APEC; những cơ hội và thách thức đặt ra đối với các nền kinh tế và các khu vực, nhất là đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và APEC; các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phiên thảo luận thứ hai đã tập trung vào việc thảo luận và chia sẻ các góc nhìn đa chiều về triển vọng của Diễn đàn APEC và châu Á-Thái Bình Dương, kết quả rà soát việc thực hiện các Mục tiêu Bogor.
Các ý kiến nhìn chung đều nhất trí APEC cần tiếp tục phát huy thế mạnh là cơ chế hợp tác linh hoạt, trên cơ sở tự nguyện, không ràng buộc, tiếp tục thúc đẩy thương mại và đầu tư mở nhằm đóng góp vào thịnh vượng chung của khu vực.
Trong tình hình mới, để tiếp tục khẳng định vai trò của APEC, các nội dung hợp tác của Diễn đàn cần gắn hơn với các vấn đề phát triển bền vững và bao trùm. Diễn đàn cũng cần đẩy mạnh thông tin tới người dân và các doanh nghiệp về những lợi ích thiết thực hợp tác giữa các thành viên mang lại.
Chiều cùng ngày, các đại biểu tiến hành thảo luận nhóm nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy nỗ lực hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, nội dung hợp tác của Diễn đàn sau năm 2020, các bước chuẩn bị cần triển khai tiến tới hình thành tầm nhìn cho APEC sau năm 2020.
Đối thoại đã gợi mở nhiều ý tưởng và nêu ra những đề xuất cụ thể góp phần vào việc định hướng hợp tác APEC trong thời gian tới. Trước mắt, các kết quả của Đối thoại sẽ được báo cáo lên các quan chức cao cấp APEC tại cuộc họp ngày mai (17-18/5) để thảo luận, trước khi trình lên các Bộ trưởng và Lãnh đạo APEC vào tháng 11 năm nay tại thành phố Đà Nẵng.
Trong ngày, các quan chức cao cấp APEC đã tổ chức Hội thảo về nghiên cứu và công nghệ, do nhóm Đối tác chính sách về khoa học, công nghệ và sáng tạo (PPSTI) chủ trì./.