APEC CEO Summit 2017 dấu mốc của sự đồng thuận

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 (APEC CEO SUMIT, Chủ tịch CEO SUMIT TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hội Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 nhấn mạnh, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong các chuỗi giá trị toàn cầu để “không ai bị bỏ lại phía sau”

Năm nay, Việt Nam lại có vinh dự là chủ nhà của APEC 2017. Hơn 2000 CEO hàng đầu và các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã về đây để bàn thảo về tương lai của toàn cầu hóa và các biện pháp thúc đẩy tự do thương mại và hội nhập khu vực. “Đây là Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử APEC, diễn ra ở thời điểm hệ trọng của khu vực này. Thời điểm chúng ta cần chung tay sáng tạo ra những động lực mới cho tương lai, thời điểm mà quá trình toàn cầu hóa và hội nhập khu vực cần được định hình lại để đáp ứng các yêu cầu của thời đại mới” – ông Vũ Tiến Lộc nói.
 Ông Vũ Tiến Lộc
Đồng thời thông tin, khi bàn về toàn cầu hóa và tương lai của các nền kinh tế APEC và theo chương trình nghị sự, chúng ta sẽ bắt đầu từ chủ đề việc làm và chất lượng nguồn nhân lực - tài nguyên quan trọng nhất trong nền kinh tế mới của chúng ta. Bên cạnh đó, cũng sẽ bàn về những ngành công nghiệp đem đến cơ hội việc làm trong tương lai; bàn về các sáng kiến tăng cường kết nối khu vực, về các chân trời mới của thương mại tự do, về kỷ nguyên số và công nghệ, về việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững…
Đó là những vấn đề nghị sự nóng bỏng cho sự phát triển của APEC và của nền kinh tế thế giới ở Thiên niên kỷ thứ 3 này.
Đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp mà đại diện là các CEO hàng đầu đang có mặt tại đây, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, thông qua các chuỗi giá trị xuyên quốc gia được thiết lập trong những thập kỷ qua, đã làm nên những thay đổi chưa từng có trong lịch sử phát triển của các nền kinh tế APEC, tạo nên động lực chính đưa khu vực APEC trở thành “quán quân” phát triển trong nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, APEC đang đối diện với tình trạng “bình thường mới” với đà tăng trưởng chậm lại, tốc độ tăng năng suất thấp và tình trạng bất bình đẳng gia tăng, khiến chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trỗi dậy và gây ra nhiều trở lực cho quá trình toàn cầu hóa.
Do đó, để hướng tới mục tiêu phát triển bao trùm cả về kinh tế, xã hội và tài chính, sẽ cần sự chung tay của chính phủ và doanh nghiệp trong việc tạo ra môi trường và bệ đỡ cho sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong nền kinh tế toàn cầu.
TS Vũ Tiến Lộc khẳng định niềm tin rằng, “cỗ xe tam mã” với 3 động cơ chính: Toàn cầu hóa được tích hợp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những cải cách thể chế mạnh mẽ trong các nền kinh tế nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong các chuỗi giá trị toàn cầu để “mọi người cùng thắng”, “không ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khát vọng mà sẽ là hiện thực trong kỷ nguyên số của chúng ta và APEC CEO Summit 2017 sẽ đi vào lịch sử như một dấu mốc quan trọng của sự đồng thuận đó.