APEC tìm động lực mới

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính sách bảo hộ của ông Donald Trump, chính sách thương mại toàn cầu hóa… đã “phủ bóng” toàn bộ Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 24.

Tìm cách thúc đẩy TPP

Hiệu ứng từ chiến thắng của ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng xuất hiện trong mọi cuộc thảo luận ở Peru. Các nhà lãnh đạo thế giới đã nỗ lực tập trung thảo luận giải pháp thúc đẩy các thỏa thuận cũ và tìm định hướng cho một thỏa thuận thương mại mới, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump liên tục tấn công các hiệp định tự do mậu dịch như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

 Các nhà lãnh đạo 21 quốc gia thành viên APEC trong phiên thảo luận.

Trong các phiên thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra trong 2 ngày cuối tuần, lãnh đạo 21 quốc gia thành viên đều khẳng định quan điểm chung về tầm quan trọng của tự do thương mại và chống chủ nghĩa bảo hộ. Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto nêu rõ: “TPP đang trải qua một giai đoạn bất ổn lớn khi không rõ Mỹ có tham gia đến cùng hay không và cơ chế TPP có thể thành công theo cách nào. Tất cả các nước đã nỗ lực rất lớn để đạt được thỏa thuận này vì chúng ta đều rõ nó có lợi như thế nào”. Đồng quan điểm, Thủ tướng New Zealand John Key cho rằng, các thỏa thuận thương mại tự do sẽ vẫn được thúc đẩy bất chấp tình hình ở Mỹ như thế nào. Trong khi đó, một lãnh đạo cấp cao Nhật Bản cho biết, nhóm họp bên lề APEC 2016, các lãnh đạo TPP tái khẳng định lập trường thúc đẩy quy trình phê chuẩn trong nước để hiệp định có hiệu lực. 

Cam kết thúc đẩy tiến trình phê chuẩn TPP và nỗ lực thúc đẩy sáng kiến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) của Trung Quốc cho thấy, APEC tiếp tục đóng vai trò khởi xướng trong việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ, tạo ra môi trường kinh doanh không biên giới trên toàn thế giới.

Việt Nam sẵn sàng cho Năm APEC 2017

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh DN APEC (ABAC), Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định, những liên kết kinh tế sâu rộng mang tính bước ngoặt, nổi bật là TPP, RCEP và Cộng đồng ASEAN… hứa hẹn mang lại không gian phát triển rộng lớn. Trong một thế giới toàn cầu hóa đầy biến động, Chủ tịch nước cho rằng, hơn bao giờ hết, APEC cần tiếp tục khẳng định vai trò khởi xướng ý tưởng, động lực của sáng tạo, tăng trưởng và liên kết kinh tế. Đây cũng chính là lý do Việt Nam đề nghị chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. 

Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại với quy mô lớn và ở cấp cao nhất mà Việt Nam sẽ tổ chức từ nay đến năm 2025, tức là trong vòng 10 năm tới. Đây là hội nghị có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với Việt Nam mà cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động và có tầm quan trọng, tác động đến liên kết toàn khu vực và thế giới. Theo kết quả bàn thảo của các quan chức APEC tại Peru, dự kiến khoảng 200 hoạt động, trong đó có 8 hội nghị cấp bộ trưởng và tương đương sẽ được tổ chức tại nhiều địa phương của Việt Nam trong Năm APEC 2017. Đây sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo của Diễn đàn tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, làm sâu rộng liên kết kinh tế khu vực, nâng cao năng lực và sáng tạo của các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bảo đảm an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững. 

Hà Phương

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần