ASEAN 4.0 cần tận dụng quy mô và tăng cường liên kết

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng cường liên kết nội khối, trên cơ sở nền tảng kinh tế số sẽ giúp ASEAN tận dụng hiệu quả cơ hội từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Đó là một trong những nội dung được nêu ra tại Hội thảo "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0" sáng 21/8, trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới ASEAN (WEF ASEAN 2018).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh sơn khẳng định, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang làm thay đổi sâu sắc nhiều mặt của đời sống xã hội. Với nhiều công nghệ đột phá mang tính sáng tạo, phá hủy (discruptive), cuộc Cách mạng đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị cũ và mô hình kinh doanh cũ. Những quốc gia đang phát triển như các nước ASEAN nếu tạo dựng được môi trường thuận lợi cho cái mới nảy nở và lan tỏa, khuyến khích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới đến từ đổi mới sáng tạo, thì hoàn toàn có cơ hội phát triển nhanh, bền vững và bao trùm hơn. Theo dự báo của tập đoàn Google và Quỹ Temasek, nền kinh tế internet của khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 6% tổng GDP của khu vực. Đây là nền tảng thuận lợi và là thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư phát triển nhanh các mô hình kinh doanh mới ở khu vực Đông Nam Á cũng như ở Việt Nam.
 Quang cảnh hội thảo sáng 21/8.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá, CMCN 4.0 mở ra những cơ hội phát triển đầy hứa hẹn, song cũng đặt ra nhiều thách thức. Để thích ứng và phát triển thịnh vượng trong một thế giới đang chuyển động nhanh dưới tác động của công nghệ mới, từng Chính phủ của ASEAN và doanh nghiệp các nước ASEAN cần phát huy tự cường, tìm các hướng đi và giải pháp mới. Singapore đã đưa ra sáng kiến quốc gia thông minh, Indonesia có chính sách phát triển các vườn ươm công nghệ, Thái Lan có tầm nhìn Thái Lan  4.0…Với tinh thần đó, Việt Nam đang nỗ lực hướng tới tăng trưởng bền vững trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng và tranh thủ thời cơ của CMCN 4.0 để tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh nhằm tiến lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Để ASEAN tận dụng cơ hội từ CMCN 4.0
Đại biện lâm thời Đại sứ quán (ĐSQ) Singapore Tan Wei Ming cho biết, Singapore đánh giá Hội nghị WEF ASEAN sắp tới là điểm sáng quan trọng trong năm chủ tịch ASEAN. Trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy tại Mỹ, hay sự kiện Brexit tại châu Âu hiện diện, việc tăng cường liên kết kinh tế và thúc đẩy thương mại tự do trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN.
Trong bối cảnh CMCN 4.0, các quốc gia cũng cần đảm bảo, những công nghệ mới được áp dụng cần thích ứng với những nhu cầu công việc mới, đảm bảo “khôngai bị bỏ lại” trên chặng đường phát triển. Theo đó, ASEAN cần dối diện những thách thức nội bộ, trung hòa những giá trị khác nhau, cũng như thích nghi với những điều kiện mới. Mục tiêu của ASEAN hiện nay là tự cường, đổi mới sáng tạo, cũng như phối hợp với các thể chế đa phương và đối tác bên ngoài, đặc biệt trong phát triển kinh tế-thương mại. Thời gian qua, ASEAN đã hợp tác với EU để thúc đẩy một hiệp định hàng không giữa hai bên và tập trung thu hút sự tham gia của các DN vừa và nhỏ thông qua cơ chế một cửa, theo Đại biện lâm thời ĐSQ Singapore.
Trong khi đó, TS Trần Đình Thiêm, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khẳng định cốt lõi của CMCN 4.0 là kinh tế số đang dần thay thế nền kinh tế vật lý hữu hình, trở thành nền tảng quyết định và thay đổi chức năng của nền kinh tế hiện tại. Đối với các DN hiện nay, khả năng kết nối và liên kết sẽ quyết định năng lực. Kinh nghiệm cũng cho thấy các quốc gia tập trung vào nguồn lực trí tuệ, nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới có thể tăng tốc phát triển, tạo nên những “con rồng châu Á” như Singapore.
Theo TS Trần Đình Thiêm, ASEAN cần tận dụng được quy mô đang ở mức lớn trong khu vực, một cộng đồng hơn 600 triệu dân, gắn với tăng cường liên kết giữa các quốc gia thành viên hơn nữa. “ASEAN đủ lớn để đi nhanh, tuy nhiên chúng ta cần tăng cường kết nối hơn nữa. Với khung khổ hành chính hiệu quả, các quốc gia nội khối nên tích cực liên kết các doanh nghiệp, dựa trên nền tảng kinh tế số. Trong quá trình đó, những mạng lưới như WEF rất quan trọng.”