ASEAN kỳ vọng đạt RCEP giữa bối cảnh kinh tế ảm đạm

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á có ngày họp thứ 2 tại Thái Lan vào hôm nay (3/11), với hy vọng sẽ có bước đột phá trong các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, loại bỏ sự kìm hãm kinh tế kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung bắt đầu.

Lãnh đạo 10 nước thành viên, cùng Tổng thư ký ASEAN và Chủ tịch FIFA chụp ảnh sau một ký kết hôm 2/11 tại Bangkok.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh thường niên tại Bangkok hôm thứ Bảy, dự kiến kéo dài trong 3 ngày. Trong 7 năm, nhóm đã thảo luận về một thỏa thuận kéo dài từ Ấn Độ đến New Zealand, được gọi là Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Cuộc chiến thương mại của Washington với Bắc Kinh đã đè nặng lên hầu hết các thị trường, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo rằng hoạt động này có thể cắt giảm tăng trưởng toàn cầu xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ.
Trong khi đó, nhiều quốc gia ASEAN đang e ngại nền kinh tế của mình có thể rơi vào "tầm ngắm" của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thực tế, ông Trump đã nhiều lần cảnh báo về sự can thiệp sâu hơn tại một số quốc gia nhằm "bảo vệ các DN Mỹ". Mới đây, Washington cũng đã làm mới danh sách theo dõi "thao túng tiền tệ" của mình sau nhiều năm.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tin rằng khối khu vực có thể chống lại bất kỳ biện pháp trừng phạt thương mại vô lý nào nhưng không đề cập chi tiết cụ thể.
"Nếu bạn đi một mình, bạn sẽ bị bắt nạt. Chúng ta không muốn tham gia vào một cuộc chiến thương mại nhưng đôi khi khi họ làm những điều không tốt với chúng ta, chúng ta sẽ phải đối xử tương tự như thế với họ", ông Mahathir nói.
Trước đó, nhà đồng cấp Thái Lan, Prayut Chan-O-Cha, đã lặp lại chủ đề hợp tác khu vực về thỏa thuận RCEP, trong khi Bộ trưởng thương mại Philippines Ramon Lopez thể hiện hy vọng sẽ có "báo cáo tích cực (về RCEP) vào thứ Hai" khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc.
Tuy nhiên theo ông Lopez, việc ký kết hiệp ước sẽ chỉ có thể xảy ra "trong năm tới", với các cuộc họp thành viên vào tháng 2/2020 để sắp xếp "các vấn đề đang chờ xử lý khi tiếp cận thị trường".
Ấn Độ, với Thủ tướng Narendra Modi cũng ở Thái Lan, hiện được đánh giá là "trở ngại lớn nhất" cho RCEP. New Delhi lo ngại việc mở cửa các ngành công nghiệp chính như kim loại, dệt may và sữa sẽ khiến nhập khẩu Trung Quốc rẻ hơn.
Bắc Kinh phần nào ủng hộ RCEP, như một cách để khẳng định sự thống trị thương mại của mình ở châu Á sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017.
AFP lưu ý, Washington cho thấy chiều hướng giảm "nhiệt tình" rõ rệt thông qua danh sách phái đoàn đến Hội nghị thượng đỉnh ASEAN qua từng năm. Mỹ tới Bangkok năm nay với Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien và Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tham dự Hội nghị năm ngoái tại Singapore, và Tổng thống Trump đã có mặt tại cuộc họp năm 2017 tại Philippines.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã bác bỏ nhận định này, nói rằng các lãnh đạo Trump hay Pence không có mặt vì bận tham gia vào chiến dịch tranh cử của các thống đốc ở quê nhà.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần