Australia bác toàn bộ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Nguyễn Phương (Theo Theage)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Australia vừa gửi công hàm lên Liên Hợp quốc, tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp.

Australia đã đệ trình công hàm lên Liên Hợp quốc (LHQ) vào ngày 25/7, tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông "không có giá trị và không phù hợp Công ước LHQ về Luật Biển".
Trong công hàm đệ trình LHQ, Australia khẳng định "không có cơ sở pháp lý đối với các yêu sách của Trung Quốc về lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông".
 Tàu chiến 3 nước Australia, Mỹ và Nhật tập trận ở biển Philippines hôm 21/7.
Công hàm nhấn mạnh Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 đã ra phán quyết rằng các tuyên bố của Trung Quốc không phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và vì sự không nhất quán đó, nên không có giá trị.
Công hàm cũng nhấn mạnh, Australia bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng hàng hải được tạo ra bởi các thực thể chìm dưới mặt nước biển. 
"Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc vẽ các đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể hàng hải hoặc 'nhóm đảo' trên Biển Đông", công hàm viết. "Australia bác bỏ mọi yêu sách đối với vùng biển nội địa, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên những đường cơ sở thẳng như vậy".
Chính phủ Australia kêu gọi các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc, làm rõ các tuyên bố chủ quyền lãnh hải và giải quyết bất đồng một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Thông tin về công hàm trên được công bố giữa lúc Australia đang ủng hộ Mỹ trong các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.
Động thái mới nhất của Australia có thể mở đường để nước này gia tăng sự hiện diện của lực lượng hải quân trong khu vực. Trước đó, hôm 21/7, tàu chiến của Australia đã tập trận với tàu Mỹ và Nhật ở biển Philippines.
Vào tuần sau, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds dự kiến đến Mỹ để thảo luận một loạt vấn đề trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra đang leo thang căng thẳng./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần