Ba dấu hỏi sau vụ đánh bom khủng bố ở Sri Lanka

Hương Thảo (Theo Foreign Policy)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Sri Lanka đã tuyên bố lệnh giới nghiêm quốc gia vô thời hạn và chặn các mạng truyền thông xã hội như Facebook và WhatsApp để ngăn chặn những tin đồn có thể gây ra bạo lực giữa các quốc gia.

Quang cảnh đổ nát tại một nhà thờ sau vụ tấn công bất ngờ sáng 21/4. 
Gần 300 người đã thiệt mạng trong 8 vụ nổ cùng lúc tại nhiều nhà thờ và khách sạn ở Sri Lanka sáng 21/4, trong khi các cuộc tấn công phối hợp cũng khiến hàng trăm nạn nhân khác bị thương.
3 nhà thờ trở thành mục tiêu thuộc Negombo và Kochchikade ở phía Tây và Batticaloa ở phía Đông. 3 khách sạn sang trọng ngay tại thủ đô Colombo cũng được nhắm đến. Hiện chưa rõ thủ phạm thực hiện các vụ tấn công, trong khi Chính phủ Sri Lanka đã tuyên bố lệnh giới nghiêm quốc gia vô thời hạn và chặn các mạng truyền thông xã hội như Facebook và WhatsApp để ngăn chặn những tin đồn có thể gây ra bạo lực giữa các quốc gia - điều đã xảy ra hồi tháng 3/2018 khi một đám đông Phật giáo tấn công vào nhà thờ Hồi giáo.
Khả năng xung đột tôn giáo?
Sri Lanka có 22 triệu dân, với 3/4 là người dân tộc Sinhalese, hầu hết theo đạo Phật. Gần 1/5 người Sri Lanka được xác định là người Tamil hoặc người Sri Lanka hoặc người Ấn Độ - hầu hết là theo đạo Hindu. Như vậy, Sri Lanka là một cộng đồng đa tôn giáo khá phức tạp, với khoảng 10% dân số là người Hồi giáo và 7% là người Cơ đốc giáo bao gồm cả người Tamil và Sinhalese.
Đáng chú ý, 3 trong số các vụ nổ xảy ra tại các nhà thờ hôm Chủ nhật qua được xác định vào đúng thời điểm hành lễ Phục sinh, cho thấy khả năng ít nhất một phần của cuộc tấn công đã nhắm vào 1,5 triệu tín đồ Kitô hữu của đất nước này. Các vụ nổ gần như đồng thời khiến không còn thời gian để cảnh báo những người đã tới các nhà thờ khác. Reuters dẫn lời đại diện Liên minh Tin Lành Kitô giáo Quốc gia Sri Lanka, đã ghi nhận 86 sự kiện phân biệt đối xử, đe dọa và bạo lực chống lại Kitô hữu vào năm ngoái.
Các mục tiêu chính khác dường như là những người thường xuyên đến các khách sạn tại Colombo, chủ yếu là khách du lịch, doanh nhân và người dân địa phương giàu có. Ít nhất 30 người đã thiệt mạng được xác định là người ngoại quốc.
Các binh sĩ Sri Lanka kiểm tra một chiếc xe bị phá hủy trong vụ đánh bom liều chết nhắm vào một đoàn xe của Bộ Quốc phòng ở Colombo vào ngày 1/12/2006. 
Khả năng khởi động nhiều cuộc tấn công cùng một lúc cho thấy mức độ tinh vi về việc lập kế hoạch và nguồn lực. Trong khi các nhà chức trách vẫn đang cùng nhau tìm hiểu những gì đã xảy ra, thì vụ tấn công cho thấy ít nhiều tương đồng với vụ tấn công tháng 11/2008 ở Mumbai - đồng thời nhắm vào 2 khách sạn sang trọng, nhà ga đường sắt nhộn nhịp và trung tâm cộng đồng của người Do Thái. Theo tình báo Ấn Độ, các cuộc tấn công ở Mumbai được lên kế hoạch không chỉ gây ra số thương vong cao nhất có thể mà còn nhắm vào các nhóm khách du lịch phương Tây -  điều dẫn đến sự quan tâm đông đảo của truyền thông quốc tế.
Một trong những kẻ tấn công năm 2008 đã bị bắt giữ và một số đồng bọn đã xác định thành công, trong khi các nhà chức trách hàng đầu ở Ấn Độ từng tuyên bố nhóm phiến quân Lashkar-e-Taiba có trụ sở ở Pakistan phải chịu trách nhiệm.
Cảnh báo đã bị bỏ qua?
Vào ngày 11/4, một quan chức cảnh sát hàng đầu của Sri Lanka đã đưa ra một cảnh báo mang tính tham vấn về các cuộc tấn công tự sát tiềm năng vào các nhà thờ. Trong lời khuyến cáo này, Phó tổng thanh tra Priyalal Dassanayake đã viết rằng một nhóm Hồi giáo cực đoan có tên National Thoweeth Jama'ath đang lên kế hoạch tấn công toàn quốc.
Trả lời báo giới hôm Chủ nhật, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremeinghe thừa nhận rằng một số thông tin về một cuộc tấn công theo kế hoạch đã được gửi tới, tuy nhiên không rõ vì sao các biện pháp phòng ngừa đã không được thực hiện.
Ý kiến ​​của ông Wickremeinghe được cho là một sự chỉ trích đới với Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena - người chỉ huy lực lượng an ninh của đất nước.
Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena. 
Lãnh đạo chia rẽ?
Chính trị của Sri Lanka gần đây cũng bất ổn bởi nhiều xáo trộn. Ông Sirisena trở thành Tổng thống vào năm 2015 sau khi giành chiến thắng bất ngờ trước lãnh đạo đã kiểm soát chính trị nước này trong hơn một thập kỷ, Mahinda Rajapaksa. Tổng thống Sirisena đã bổ nhiệm đồng minh của mình là Wickremeinghe làm Thủ tướng và cả hai đã bắt đầu cải cách nền kinh tế của đất nước, đồng thời truy cứu nguồn gốc những hành động bạo lực trong cuộc nội chiến của đất nước.
Tuy nhiên "liên minh" Sirisena - Wickremeinghe đã sụp đổ vào năm 2018, khi một đối thủ dưới thời ông Rajapaksa được bổ nhiệm làm Thủ tướng mới. Vài tuần sau, dưới áp lực của Tòa án tối cao Sri Lanka, oong Sirisena đã ẩni phục chức cho ông Wickremeinghe, tuy nhiên mối quan hệ giữa hai người đến nay được cho là vẫn chưa hồi phục, trong khi các nhà quan sát dự đoán Tổng thống Sirisena sẽ tìm một Thủ tướng mới trong cuộc bầu cử sắp tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần