“Bà đỡ” để doanh nghiệp phát triển

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/6, Hội nghị Quốc tế “Diễn đàn Dệt May Việt Nam lần thứ IV - năm 2018” được Hiệp hội Bông Sợi phối hợp với Công ty Quốc tế ECV tổ chức tại khách sạn Melia, Hà Nội. Chương trình diễn ra đến ngày 28/6.

 Toàn cảnh Hội nghị
Hội nghị tập trung phân tích chuyên sâu về ngành dệt may để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường dệt may, giảm bớt rủi ro và tìm kiếm cơ hội mới. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là nơi để các doanh nghiệp trong ngành cùng nhau trao đổi, kết nối và hỗ trợ nhau.
Tham luận và chia sẻ tại Hội nghị, các diễn giả cao cấp từ các Tập đoàn, thương hiệu thời trang toàn cầu như Nike, VF, Tập đoàn TCE, H&M, Puma, Texhong Textiles, Esquel Group… và các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các nhà nghiên cứu chuyên sâu về chính sách đầu tư, dệt may, lao động, môi trường và chuỗi cung ứng bền vững…

Cụ thể, nội dung chương trình xoay quanh các vấn đề trọng tâm sau: Cơ hội và Thách thức của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2018; CPTTP và lợi ích của CPTPP đối với ngành dệt may Việt Nam; EVFTA và tác động của EVFTA đối với ngành dệt may Việt Nam; Công nghệ sản xuất thông minh mới nhất cho ngành dệt may Việt Nam; Các vấn đề về lao động và quy định mới nhất của Luật Lao động trong ngành dệt may Việt Nam…

Theo TS Trần Du Lịch, năm 2018 dự kiến kim ngạch dệt may đạt 33 tỷ USD và là ngành có tác động lan toả rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Dù thực tế tỷ lệ nội địa hoá chưa được như mong muốn, song là ngành nỗ lực để nội địa hoá, vì liên quan tới những ưu đãi trong hội nhập nhất. Đồng thời cũng là ngành thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp (bông sợi), công nghiệp hoá dầu.

“Dệt may là ngành công nghiệp truyền thống và định hướng quy hoạch đến 2030 tiếp tục là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, trong 5 năm tăng trưởng 13-14% và gấp 10% giai đoạn tiếp theo. Như vậy, từ năm 2030 dệt may là ngành có tốc độ tăng trưởng cao tạo cú hích cho phát triển, nhất là công nghiệp dịch vụ” - TS Lịch thông tin.

Để làm được đó, ông Lịch cho rằng, chính sách của Chính phủ, vai trò của Nhà nước hỗ trợ rất quan trọng. Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ”, “sản phụ” là các doanh nghiệp. Nếu đỡ tốt thì mẹ tròn con vuông. Đó là khắc phục điểm yếu về logistics khi lĩnh vực này còn cao. Thứ nữa, Việt Nam có chính sách đào tạo nghề nhưng lâu nay không hiệu, cần thực tế để hỗ trợ đào tạo nghề là quan trọng nhất và không vi phạm WTO. Ngoài ra, khuyến khích huy động cổ phiếu và trái phiếu trên thị trường để giảm chi phí trung gian, vì 80% vốn DN. Đặc biệt, khuyến khích liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa khi Luật cho đối tượng này vừa ban hành... để tạo chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp.