Bà giáo 22 năm gắn bó với những đứa trẻ đặc biệt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 22 năm qua, như một người mẹ, một người bà, ngày ngày cô Nguyễn Thị Côi (74 tuổi) ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội không quản mưa nắng, đều đặn lên lớp, truyền thụ kiến thức văn hóa và hoàn thiện nhân cách sống cho những đứa trẻ khiếm khuyết, lang thang cơ nhỡ.

Không chỉ với những học sinh (HS) đặc biệt ấy, mà trong lòng nhiều người dân phường Tân Mai, hình ảnh người giáo viên với mái tóc điểm bạc ấy đã trở thành thân thương.

Qua sự chỉ dẫn của người dân ngõ 521 Trương Định, chúng tôi tìm đến lớp học Linh Hoạt nằm trong Nhà văn hóa khu dân cư số 11, phường Tân Mai. 19 HS trong lớp là 19 hoàn cảnh, căn bệnh khác nhau. HS nhỏ nhất lớp năm nay 7 tuổi và lớn nhất là 32 tuổi. Nhưng tất cả đều có cùng một đam mê là học chữ, làm toán và được vui chơi với bạn bè. Bao nhiêu năm nay, cô Côi vẫn luôn duy trì giờ học của lớp đặc biệt này bắt đầu lúc 8 giờ 30 phút sáng và kết thúc lúc 10 giờ 30 phút từ thứ Hai đến thứ Sáu.
Cô Nguyễn Thị Côi tận tình hướng dẫn các em học bài.
Cô Nguyễn Thị Côi tận tình hướng dẫn các em học bài.
Trò chuyện với chúng tôi, cô Côi chia sẻ, bà từng là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, và cũng là người tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Năm 1995, cô xung phong tham gia Plan - một tổ chức phi chính phủ quốc tế phát triển cộng đồng có dự án giáo dục dành cho trẻ em nghèo, trẻ em lang thang cơ nhỡ và khuyết tật. Ban ngày, cô làm việc tại trường, tối đến lại đi từ những xóm liều ở Hoàng Mai đến những công viên, gầm cầu để thuyết phục các em cơ nhỡ đến lớp học của mình.

Việc mỗi ngày kiên nhẫn, bền bỉ đến lớp dạy những đứa trẻ tật nguyền hay có những mảnh đời không may mắn, khiến nhiều người càng thêm nể phục cô. Bởi cô chẳng lấy của ai một đồng, thậm chí trích tiền lương hưu để mua sách vở và dụng cụ học tập cho các em. “Xuất phát từ tình cảm thương yêu con trẻ và thông cảm với hoàn cảnh của các em, với suy nghĩ làm việc thiện nên cô muốn giúp những đứa trẻ bị thiệt thòi vượt lên chính mình” - cô Côi chia sẻ.

22 năm gắn bó với lớp học tình thương, có quá nhiều kỷ niệm khiến cô không thể nào quên. Cô nhớ lại, nhiều HS có khi đang học, bệnh tình tái phát: Ngất xỉu, phát khùng, động kinh, mẩn ngứa, đau mắt… Những lúc đó, cô như một người thầy thuốc. Cô bình tĩnh xem xét biểu hiện của bệnh rồi mua thuốc, xoa bóp, bấm huyệt cho các em tỉnh lại... Nhiều em trước kia chưa đi học nghịch ngợm, ngỗ ngược nhưng khi được cô giảng giải, chỉ bảo tận tình, “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng, cô đã cảm hóa các em thành người ngoan ngoãn, biết giúp đỡ người khác.

Cảm phục trước tấm lòng đáng quý của cô Côi, ông Phạm Văn Thắng (65 tuổi) ở phố Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng chia sẻ: "Là một phụ huynh có con tật nguyền, tôi thực sự cảm ơn cô đã quan tâm, giúp đỡ các em cũng như những gia đình khó khăn. Tôi thực sự nể phục sự nhân hậu, ân cần, sự dìu dắt, dạy dỗ của cô. Bởi cô không những rèn chữ mà còn rèn cả đức. Tôi mong xã hội không chỉ có một cô giáo Côi mà còn nhiều hơn thế nữa".

Chứng kiến học trò của mình đổi thay và nỗ lực sống tốt hàng ngày chính là động lực giúp cô Côi vượt qua mọi gian nan và gắn bó cả cuộc đời với lớp học đặc biệt của mình. Thật tự hào khi lớp đặc biệt của cô có em từng là sinh viên Học viện Ngân hàng, hiện đang là giáo viên mầm non tại Hà Nội. "Tới đây, nhiều em đã biết đọc, biết viết, cô gửi các em lên trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc đi học nghề, có định hướng đúng đắn cho tương lai" - cô Côi tâm sự.

Gian nan, vất vả là thế nhưng mơ ước của “bà giáo già” lại thật giản đơn. Cô mong ước được thấy học trò khôn lớn từng ngày. Với cô, còn sức khỏe còn dìu dắt, dạy dỗ các em thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần