Bà Merkel và gánh nặng "cứu" thế giới

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bà Merkel hiện phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp: Bảo đảm sự đoàn kết trong nước và giữ cho các hợp tác quốc tế được toàn vẹn.

Hôm 20/11, bà Merkel tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 trong bối cảnh nước Đức ngày càng chia rẽ về chính sách mở cửa với người tị nạn. Để thành công trong nhiệm kỳ tiếp theo, lần đầu tiên bà Merkel phải hàn gắn sự chia rẽ trong nội bộ nước Đức về chính sách mở cửa với người tị nạn.
Bà Merkel đang đối mặt với thách thức lớn nhất trong sự nghiêp.
Sau một loạt vụ tấn công tại Đức và một số nước châu Âu có liên quan đến người di cư theo đạo Hồi, sự ủng hộ với bà Merkel đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tỷ lệ ủng bộ đối với đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel đã sụt khoảng 10% so với năm ngoái, hiện chỉ còn 33%. Bên cạnh đó, đảng cựu hữu có xu hướng bài ngoại sự lựa chọn cho nước Đức (AfD) có khả năng vào Quốc hội lần đầu tiên trong năm tới, khiến khả năng đảng của bà Merkel có thể thất bại trong cuộc bầu cử càng rõ ràng hơn.
Ngoài nhiệm vụ phải thu xếp chuyện nội bộ, Thủ tướng Đức đương nhiệm còn phải gánh vác trọng trách nặng nề ở tầm quốc tế. Người đứng đầu nước Đức hiện giờ phải đóng vai trò như là “người dẫn đường” của phương Tây trước một loạt sự kiện chấn động vừa xảy ra trên thế giới, đe dọa nhấn chìm các liên kết hợp tác trên toàn cầu.
Tại châu Âu, sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit - là tiếng chuông cảnh báo đầu tiên và rõ rệt nhất về tình trạng bảo hộ nền kinh tế đang trỗi dậy khiến xu hướng hợp tác đang gặp nguy. Thậm chí, một số quốc gia hiện đang suy nghĩ về việc “nối gót” Anh, làm dấy lên lo ngại EU có nguy cơ tan rã. Tại Mỹ, tỷ phú Donald Trump - người chủ trương bảo hộ nền kinh tế - giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống. Điều này dự báo chủ nghĩa bảo hộ sẽ không chỉ dừng lại ở Mỹ mà lan ra toàn cầu, thay đổi trật tự thế giới hiện hành. "Xu hướng này đang dần phổ biến" - Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) Mark Leonard cảnh báo.
Trong những tháng tới, các nhà bình luận dự đoán thế giới tiếp tục chứng kiến sự lên ngôi của phong trào dân túy qua những cuộc bầu cử ở Hà Lan, Áo, Đức và Pháp. Tại Pháp, khi cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào mùa Xuân năm sau, bà Le Pen - đại diện của phe cực hữu bài ngoại nhiều khả năng giành được thắng lợi. "Người dân đã chán ngán và mệt mỏi về tình trạng nhập cư gia tăng, các thỏa thuận thương mại gây ra sự cạnh tranh đến việc làm trong nước" - Chủ tịch đảng cực hữu Vì tự do của Hà Lan Greet Wilders bình luận trên tờ USA Today.
Vì vậy, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Obama sắp kết thúc nhiệm kỳ, Đức - nền kinh tế dẫn đầu châu Âu giờ là hy vọng cuối cùng của phương Tây nhằm cứu vãn sự kết nối trong khối EU và giữa EU với thế giới. Tuần trước, trong chuyến công du cuối cùng đến châu Âu của mình, ông Obama đã phát biểu, gánh nặng đặt lên vai bà Merkel là rất lớn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần