“Bà tiên” của trẻ em nghèo

Bài, ảnh: Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đôi mắt rưng rưng, bà Tạ Thị Ngọc Thanh, giáo viên nghỉ hưu giờ làm cán bộ cơ sở công tác khuyến học tại phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) xúc động trải lòng về cơ duyên và động lực đến với công tác khuyến học.

 Đó là sự nhọc nhằn của tuổi thơ khi mồ côi cha mẹ từ quá sớm, khát khao tự vượt lên hoàn cảnh và hơn thế nữa là muốn lan tỏa tinh thần vượt khó, hiếu học trong cộng đồng.
 Ngay từ nhỏ, cô bé Tạ Thị Ngọc Thanh đã xác định bằng mọi giá phải bám vào con chữ. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, công tác tại một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội, cô giáo Thanh bắt đầu gắn bó với sự nghiệp trồng người.
 Với công đóng góp của bà Tạ Thị Ngọc Thanh, thư viện của Hội Khuyến học phường Dịch Vọng Hậu đã được thành lập để phục vụ Nhân dân.
Năm 1987, tổ chức SOS Quốc tế và UBND TP Hà Nội thành lập dự án xây dựng làng trẻ em SOS trên địa bàn TP. Được đào tạo một cách bài bản về chuyên ngành tâm lý giáo dục, hơn nữa lại nghiên cứu về giáo dục cải cách mầm non trong quá trình công tác, bà Thanh được đề nghị về làm Giám đốc đầu tiên của làng trẻ SOS. Hơn ai hết, thấu cảm được vất vả của những đứa trẻ thiệt thòi, 10 năm công tác tại làng trẻ em, bà dành mọi tình yêu thương, sự đùm bọc và tận tình dạy giỗ cho lớp lớp các cháu trong mái nhà SOS. Đến nay, nhiều cháu đã trưởng thành, lập gia đình và có cuộc sống riêng ổn định. Đó chính là thành công, là niềm hạnh phúc lớn lao đối với “bà mẹ SOS” Tạ Thị Ngọc Thanh.
Với nhiệt huyết làm việc, cống hiến, sau khi nghỉ theo chế độ, từ năm 1998, bà vừa làm Bí thư chi bộ, kiêm Tổ trưởng tổ dân phố và làm Phó Chủ tịch Hội khuyến học phường Dịch Vọng Hậu cho đến nay. Điều đặc biệt ở người phụ nữ này là khao khát các em nhỏ được đến trường, nên dù chỉ một đứa trẻ có nguy cơ phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng khiến bà trăn trở. Từ những suy nghĩ đó, tiền phụ cấp mỗi năm bà đều dồn lại dành ra 20 triệu đồng để đỡ đầu 12 cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có tinh thần hiếu học với mức trợ cấp 1,2 triệu đồng/tháng liên tục cho đến khi các cháu học xong ĐH.
Không chỉ vậy, bà còn nhận đỡ đầu các cháu có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh xa. Gần đây nhất, khi biết tin hoàn cảnh gia đình Cảnh sát biển Nguyễn Quốc Huy tại Quảng Bình, có vợ bị ung thư, 2 con nhỏ, bố mẹ già yếu, bà đã gửi tặng các cháu 2,4 triệu đồng. Bà bảo, mỗi năm sẽ gửi tiền, đến khi nào các cháu 18 tuổi. Bà Thanh tâm niệm: “Làm từ thiện không phải chỉ bỏ ra ít vật chất mà quan trọng hơn là để mọi người xích lại gần nhau, biết chia sẻ và quan tâm đến nhau”. Từ những chắt chiu, dành dụm của bà hỗ trợ, nhiều cháu đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, đạt thành tích học tập xuất sắc, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, được nhận học bổng du học nước ngoài, thậm chí có bạn đã đạt học vị tiến sĩ.
Ngoài việc tự mình lập ra một khoản quỹ cho các cháu, bà còn nhiệt tình trong việc vận động xây dựng phát triển quỹ khuyến học tại địa phương. Đã ở cái tuổi gần 80, nhưng hàng ngày bà vẫn miệt mài đạp xe đến các đơn vị, tổ chức, khu dân cư, chi hội khuyến học ở phường để vận động, quyên góp quỹ khuyến tài khuyến học.
Với những cống hiến thầm lặng không biết mệt mỏi, bà được đề cử là “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016. Cả cuộc đời cống hiến, nhưng bà Tạ Thị Ngọc Thanh vẫn giữ cho mình một tâm niệm giản dị: “Cái mà tôi tâm đắc nhất không phải là những tấm bằng khen, danh hiệu được nhận mà là mỗi khi ra đường các cháu nhỏ lễ phép chào mình tình cảm, mọi người đều yêu quý mình. Đối với tôi đó mới là những phần thường cao quý nhất”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần