Ba Vì cần nỗ lực để đến năm 2020, người dân được dùng nước sạch

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay (26/4), Phó Bí thư Thành ủy-Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã chủ trì đoàn giám sát của TP làm việc tại huyện Ba Vì về việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2016-2020”.

Trước đó, Phó Bí thư Thành ủy đã ủy quyền cho Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong dẫn đầu đoàn đi kiểm tra thực tế một số thiết chế văn hóa tại thôn La Thượng (xã Tản Hồng, huyện Ba Vì). Theo đánh giá của đoàn, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới được chính quyền và người dân nơi đây tích cực hưởng ứng, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
  Phó Bí thư Thành ủy-Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì buổi làm việc của đoàn giám sát TP với huyện Ba Vì 
Trong buổi làm việc tại Huyện ủy Ba Vì, Phó Bí thư Huyện ủy-Chủ tịch UBND huyện Bạch Công Tiến cho biết: Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, huyện Ba Vì đã ban hành 12 văn bản để triển khai. Đến nay, nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, tôn tạo đã và đang phát huy giá trị tích cực; dịch vụ du lịch đang trở thành thế mạnh của huyện thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước; nhiều thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh cũng được đông đảo Nhân dân hưởng ứng. Cùng với đó, các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước được triển khai kịp thời, hiệu quả, tạo ra những thay đổi quan trọng trong đời sống Nhân dân. An sinh xã hội được đảm bảo, cơ bản đảm bảo các chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm theo tiêu chí mới…
Tuy nhiên, lãnh đạo huyện cũng thẳng thắn nhận định: Sau 2 năm thực hiện chương trình, hiện vẫn còn 19 thôn chưa có nhà văn hóa (NVH), trong quá trình hoạt động phải mượn trụ sở của đơn vị khác. Ngoài các NVH mới được đầu tư xây dựng, hầu hết NVH được xây dựng lâu năm, cơ sở vật chất, trang thiết bị đã xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Khu vui chơi giải trí cho trẻ em còn thiếu về lượng và yếu về chất; trường học thiếu phòng chức năng, trang thiết bị đồ dùng dạy học, phòng học tạm, mượn, phòng học xuống cấp… Cơ sở vật chất và trang thiết bị, tỷ lệ bác sỹ tại các trạm y tế còn thiếu; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở một số ngành nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động trên địa bàn.
Phát biểu tại Huyện ủy, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao sự chỉ đạo nghiêm túc của Huyện ủy, đã giúp kịp thời khơi dậy được nguồn lực của người dân địa phương đóng góp vào việc thực hiện Chương trình, nên đạt được nhiều kết quả nổi trội, nếu đặt trong điều kiện thực tế rất nhiều khó khăn của huyện. Cụ thể, đến nay huyện có 8/16 chỉ tiêu đã hoàn thành, trong đó: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã huy động xây dựng được 93 NVH, cải tạo 15 NVH, phát triển được nhiều CLB thể thao phục vụ Nhân dân, hiện trở thành một trong những huyện có tỷ lệ NVH thôn cao nhất; vươn từ vị trí thứ 29 lên thứ 17 hiện nay tại TP về chất lượng giáo dục...
 Khảo sát mô hình "ngõ tự quản" tại thôn La Thượng
Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thành ủy, huyện cần khắc phục một số hạn chế, như số trường chuẩn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn quá cao, chất lượng giáo dục còn khoảng cách so với nhiều quận huyện khác. Nhất là, huyện chưa xây dựng được các mô hình văn hóa mang tính đặc thù của Ba Vì, du lịch cũng chưa phát huy được nhiều tiềm năng thế mạnh, chưa chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, đồng chí đề nghị huyện rà soát lại các chỉ tiêu, xây dựng lộ trình để đạt được những chỉ tiêu thuộc khả năng của địa phương và báo cáo TP về những chỉ tiêu cần nguồn lực hỗ trợ. Riêng với chỉ tiêu trường chuẩn, UBND TP đã đề xuất cơ chế đặc thù cho 5 huyện trong đó có Ba Vì, nên các sở, ngành cần nghiên cứu phương án trình Thường trực HĐND TP xem xét sớm. Huyện cũng cần quản lý chặt chẽ đối với các thiết chế văn hóa, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo; đề xuất cụ thể, đưa ra giải pháp trong điều kiện của địa phương để phấn đấu đến năm 2020, người dân tại đây được dùng nước sạch. Đồng thời, Phó Bí thư Thành ủy cũng lưu ý huyện quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, tìm ra nguyên nhân khiến chất lượng chưa cao để đề xuất giải pháp phù hợp. Đặc biệt, cần phát huy nguồn lực tại chỗ, trong đó có đánh giá kết quả gắn với 10 năm hợp nhất Thủ đô, chỉ ra phương hướng phát triển mới phù hợp cho các lĩnh vực kinh tế-xã hội của địa phương.