Ba Vì đào tạo nghề gắn với đầu ra

Thiên Tú – Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tránh tình trạng học nghề xong không có việc làm, huyện Ba Vì yêu cầu các xã, thị trấn chỉ đề xuất đào tạo các nghề khi xác định được đầu ra cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn.

Có nghề, thêm thu nhập
Gần 5 năm nay, trong ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Phạm Thị Thu Hường, thôn La Thiện, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, tiếng máy khâu đã trở thành âm thanh quen thuộc mỗi ngày. Học xong lớp đào tạo 3 tháng nghề may công nghiệp do UBND xã tổ chức, chị Hường vừa làm thuê cho một xưởng may, vừa đầu tư gần 4 triệu đồng sắm một chiếc máy nhận may gia công tại nhà. Nhờ nghề may chị có thêm thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/tháng, đủ trang trải cuộc sống và nuôi hai con học đại học. “Được học nghề  mới có việc làm thêm chứ nếu chỉ trông vào 3 sào ruộng thì không đủ ăn” – chị Hường nói.

Nghề may giúp cho gia đình chị Phạm Thị Thu Hường, xã Tản Hồng, có thu nhập ổn định.  Ảnh: Quang Thiện

Tản Hồng là một trong những xã làm khá tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT của huyện Ba Vì. Những năm qua, xã đã triển khai nhiều lớp đào tạo các nghề nông nghiệp, chăn nuôi thú y, may công nghiệp, nấu ăn, xây dựng, tin học, hàn xì… cho hàng trăm lao động. Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Phương Văn Liểu cho biết, trong số các nghề đào tạo, nghề nông nghiệp và may công nghiệp đang cho hiệu quả rõ rệt. Riêng nghề may, Tản Hồng hiện có 2 xưởng may công nghiệp, vừa là nơi đào tạo, vừa là đơn vị nhận lao động làm việc với mức lương 3 – 5 triệu đồng/tháng. Với đặc thù xã thuần nông, không có nghề phụ, các lớp đào tạo nghề đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho LĐNT, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tản Hồng theo chuẩn đa chiều cũng chỉ còn xấp xỉ 2%.
Theo thống kê của Phòng LĐTB&XH huyện Ba Vì, tính riêng trong năm 2016, toàn huyện đã mở được 85 lớp đào tạo cho gần 3.000 LĐNT theo Quyết định 1956 của Chính phủ với 12 nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Qua đánh giá, công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến về chất. Nhiều LĐNT đã chủ động đăng ký học nghề, tự tìm việc làm, tạo ra thu nhập ổn định cuộc sống “ly nông bất ly hương”.
Không mở lớp nếu chưa có đầu ra
Theo khảo sát, toàn huyện Ba Vì có hơn 161.000 người trong độ tuổi lao động. Hàng năm, số người vào độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề và bố trí việc làm mới khoảng 3.500 người. Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện Ba Vì đã được các xã, thị trấn quan tâm triển khai. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, số lượng lao động không có việc làm thường xuyên vẫn còn  tới 16,3% và nhu cầu làm thêm nghề phụ còn cao. Đặc biệt, sự phối hợp với các DN trong đào tạo, giới thiệu việc làm còn hạn chế nên tìm đầu ra cho lao động cũng như duy trì việc sau học nghề còn thấp.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị,  Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, hạn chế của chương trình đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn là chưa đạt được mục tiêu 80% lao động sau đào tạo có việc làm. Ngoài các nghề nông nghiệp phát huy được hiệu quả, một số nghề phi nông nghiệp không duy trì được do tác động của kinh tế thị trường, thậm chí có trường hợp học theo phong trào. Chính vì vậy, trong năm 2017, huyện sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, dùng phần mềm để theo dõi, tránh tình trạng một lao động đi học nhiều lần chưa đạt.
Mặt khác, Ban Chỉ đạo 1956 huyện Ba Vì xác định lựa chọn các cơ sở dạy nghề có đủ năng lực, uy tín và xây dựng khung chương trình học cho từng đối tượng LĐNT. Theo ông Đỗ Quang Trung, huyện yêu cầu các xã chỉ đề xuất đào tạo nghề khi xác định được vị trí việc làm, đồng thời định hướng nghề nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho LĐNT được làm đúng nghề đã đào tạo. Ngoài ra, kêu gọi DN đầu tư cũng như phối hợp xây dựng phương án tìm đầu ra cho sản phẩm từ việc học nghề của người dân.

Năm 2017, huyện Ba Vì phấn đấu tổ chức đào tạo 14 nghề nông nghiệp cho 2.800 LĐNT, trong đó ưu tiên người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, mất đất canh tác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần