Ba Vì đặt mục tiêu chậm, chắc

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù có số xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) khá lớn, song căn cứ vào điều kiện thực tiễn còn nhiều khó khăn của địa phương, huyện Ba Vì đã xây dựng lộ trình từ nay đến năm 2020, mỗi năm phấn đấu có thêm 2 - 4 xã về đích.

Niềm vui trước thềm năm mới
Những ngày gần Tết Nguyên đán, không khí đón Xuân trên địa bàn xã Đông Quang, huyện Ba Vì vui tươi, phấn khởi hơn hẳn những năm trước, bởi xã vừa được Tổ công tác của TP chấm đủ điểm đạt chuẩn NTM. Ông Nguyễn Văn Lân – Bí thư Chi bộ 1, thôn Quang Húc chia sẻ, cái được lớn nhất của chương trình NTM mà người dân hồ hởi đón nhận là dồn điền đổi thửa. Dù khi bắt đầu triển khai, người dân còn khá hoang mang, nhưng sau khi hoàn thành, từ bình quân mỗi hộ có 7 – 8 thửa ruộng đã giảm xuống chỉ còn 1 – 2 thửa, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trước đây, người dân mất cả ngày để thăm đồng nhưng nay chỉ cần một tiếng đồng hồ là xong, có thời gian nhàn rỗi để đi làm thêm, phát triển nghề mộc, nâng cao thu nhập.

Đi đến các thôn Quang Húc, Đông Viên, Cao Cương của xã Đông Quang, đâu đâu cũng thấy người dân chuyện trò rôm rả về những con đường bê tông vừa hoàn thành khang trang kịp đón Tết Đinh Dậu. Trong đó, không ít hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ tường rào, hiến đất để làm đường. Theo thống kê của UBND xã Đông Quang, đến nay, toàn bộ 6,9km đường trục xã, liên thôn đã được đổ nhựa hoặc bê tông hóa. Đường trục thôn, xóm cũng cơ bản được cứng hóa. Các nhà văn hóa của 3 thôn được trang bị đầy đủ bàn ghế, loa đài đảm bảo nhu cầu hội họp và sinh hoạt văn nghệ của Nhân dân.
 Nhà Văn chỉ, thôn Quang Húc, xã Đông Quang đang được hoàn thiện. Ảnh: Quang Thiện
Tương tự, tại xã Thụy An, NTM cũng mang lại nhiều đổi thay cho địa phương vùng đồi gò ở phía Đông Nam huyện Ba Vì. Là địa phương có địa hình không bằng phẳng, đất đai cằn cỗi bạc màu, việc phát triển sản xuất nông nghiệp của xã Thụy An gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, triển khai xây dựng NTM, xã đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung như vùng rau an toàn 39ha, vùng lúa chất lượng cao 20ha, vùng nuôi trồng thủy sản 39ha… Ông Chu Văn Kỷ - Bí thư Đảng ủy xã Thụy An cho biết, nhờ phát triển mạnh kinh tế nên thu nhập của người dân đã đạt bình quân hơn 33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,62%.

Lộ trình phù hợp

Qua đánh giá chấm điểm của Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn NTM TP mới đây, huyện Ba Vì có thêm 3 xã Sơn Đà, Đông Quang và Thụy An đủ điều kiện đạt chuẩn NTM, hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2016. Như vậy, đến nay, toàn huyện có 10/33 xã về đích NTM, chiếm 30,3%. Dù kết quả còn khiêm tốn so với nhiều địa phương khác, song phải khẳng định đây là nỗ lực lớn của Ba Vì trong bối cảnh đặc thù là huyện miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Ba Vì đã chỉ ra, sau 6 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, nông thôn trên địa bàn đang khởi sắc từng ngày. Những năm qua, đã có hàng ngàn tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước, vốn DN và Nhân dân đóng góp được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Hạ tầng được đảm bảo đã tạo đà cho kinh tế phát triển nhanh và bền vững với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,5%/năm. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, đơn vị văn hóa cũng được triển khai tích cực, đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng cho biết, đối với chương trình xây dựng NTM, nhận thức rõ đặc thù của địa phương, huyện đã xây dựng lộ trình từ nay đến năm 2020 phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã. Trong đó, phấn đấu mỗi năm bình quân có thêm từ 2 – 4 xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2020, toàn huyện có trên 80% xã đạt chuẩn NTM. Trước mắt, huyện tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo cho khu vực nông thôn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần