Ba Vì phát triển nghề nuôi ong mật

Lê Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh một số loại cây trồng, vật nuôi là thế mạnh như gà đồi, chè sạch, khoai lang,... những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ba Vì đã mạnh dạn lựa chọn con ong là vật nuôi phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo.

Phát huy lợi thế
Huyện Ba Vì có địa hình gồm ba vùng rõ rệt là vùng núi Tản Viên, vùng đồi gò và vùng đồng bằng ven sông Hồng. Do sự phân bố địa hình như vậy nên Ba Vì có vùng rừng tự nhiên, rừng cây lâm nghiệp, vùng cây ăn quả tập trung và xen kẽ rất thuận lợi cho nghề nuôi ong của Nhân dân.
Thu hoạch mật tại Câu lạc bộ nuôi ong Khánh Thượng - Ba Vì. Ảnh: Lê Thu
Gia đình ông Nguyễn Văn Đường ở thôn Pheo, xã Minh Quang, Ba Vì có thâm niên gần 20 năm trong nghề nuôi ong. Sau nhiều năm phát triển kinh tế vườn đồi nhưng hiệu quả kinh tế không cao, năm 2000 ông Đường chuyển sang nghề nuôi ong lấy mật. Ông Đường chia sẻ, nuôi ong là nghề “một vốn bốn lời” bởi tận dụng được những lợi thế có sẵn ở các địa phương. Hơn nữa, vốn đầu tư thấp, không mất nhiều diện tích đất, nguồn thức ăn chủ yếu có sẵn trong vùng rừng núi tự nhiên. Trải qua những khó khăn ban đầu, đến nay gia đình ông Đường đang duy trì ổn định 200 đàn ong. Với thời giá mật ong rừng hiện đang giao động từ 170.000 - 220.000 đồng/lít, mỗi năm gia đình ông nhu nhập gần 200 triệu đồng.
Hiện nay, các hộ nuôi ong ở Ba Vì chủ yếu nuôi theo phương pháp truyền thống. Mỗi gia đình thường duy trì từ 20 - 100 đàn, chất lượng mật được người tiêu dùng đánh giá cao. Một trong những lợi thế của nghề nuôi ong Ba Vì là hết vụ hoa ong nuôi ở các vùng khác phải chuyển địa điểm thì ong ở Ba Vì nuôi bốn mùa tại nhà, không phải di chuyển hành quân theo mùa hoa. Đặc điểm này cũng giúp người nuôi ong tiết giảm nhiều chi phí. Các đàn ong cho mật chủ yếu vào mùa hoa từ tháng 4 - 6 hàng năm, đây là những tháng có chất lượng mật cao nhất, do các loài hoa nở rộ vào giai đoạn này. Màu mật ong cũng theo từng loại hoa, như mật ong hoa nhãn thì đỏ đậm, mật ong hoa vải thì vàng óng… Đặc biệt, vùng núi Tản Viên có nhiều loài hoa dại, hoa rừng tạo ra chất lượng mật ong thơm ngon thuần khiết.

Xây dựng thương hiệu nâng cao giá trị

Để giám sát, quản lý chất lượng mật ong cũng như giúp người dân tiêu thụ mặt hàng này, năm 2008, Hội nuôi ong Ba Vì được thành lập. Đến nay, Hội đã có gần 100 hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Định kỳ hàng tháng, các hội viên đều họp mặt trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc ong, đảm bảo chất lượng mật, phòng bệnh cho đàn ong, qua đó giúp hội viên yên tâm phát triển sản xuất. Chủ tịch Hội nuôi ong Ba Vì Bùi Văn Hồng cho biết, Hội nuôi ong Ba Vì đang phối hợp với Phòng Kinh tế huyện xây dựng thương hiệu “Mật ong núi Ba Vì”. Hiện nay, hồ sơ đã được trình lên Bộ NN&PTNT chờ phê duyệt.

Mật ong núi Ba Vì mỗi năm cho sản lượng 30 tấn, tuy không nhiều như các loại mật khác nhưng chất lượng mật thơm ngon, ong được đưa vào các cánh rừng lấy mật nên không chịu tác động từ hóa chất, ô nhiễm môi trường. Về định hướng cho hội viên trong thời gian tới, ông Hồng cho biết thêm, Hội tiếp tục tổ chức cho hội viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và tham quan các mô hình nuôi ong lấy mật hiệu quả. Đồng thời, duy trì số lượng đàn ong, chủ động liên kết với các đơn vị trong xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm cho hội viên.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất “núi Tản sông Đà”, huyện Ba Vì có đủ điều kiện để nuôi ong lấy mật sạch. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nghề nuôi ong lấy mật ở Ba Vì vẫn đang dừng lại ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, tự phát, công nghệ nuôi còn hạn chế, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ người nuôi ong chưa đầy đủ. Hơn nữa, mặc dù sản phẩm mật ong Ba Vì có chất lượng tốt, song lại chưa xây dựng được thương hiệu và tạo được thị trường tiêu thụ ổn định. Do đó, mong muốn lớn nhất của Hội nuôi ong Ba Vì hiện nay là nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp chính quyền TP trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Đồng thời, có chỉ đạo qui hoạch, định hướng phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để nghề nuôi ong mật ở Ba Vì thực sự phát triển tạo nhiều công ăn việc làm và thu nhập bền vững cho người dân nơi đây.

Hiện, toàn huyện Ba Vì có trên 20.000 đàn ong, tập trung chủ yếu ở các xã Cẩm Lĩnh, Ba Trại, Khánh Thượng, Minh Quang... Tổng sản lượng mật ong toàn huyện bình quân đạt khoảng trên 200.000 lít/năm. Với giá thị trường hiện nay giao động từ 120.000 - 180.000 đồng/lít mật tùy loại nghề nuôi ong lấy mật đã mang lại cho nhiều hộ nuôi ong nguồn lợi kinh tế không nhỏ.