Ba Vì - Vùng đất của các di tích lịch sử

Bài, ảnh: Diệu Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ba Vì là địa phương được thiên nhiên ban tặng cho một vùng núi non, sông suối, cảnh sắc tươi đẹp và kỳ vĩ. Cùng với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, Ba Vì là địa phương đang lưu giữ một kho tài sản vô giá là các di tích lịch sử văn hóa đa dạng không phải nơi nào cũng có.

 Đền Thượng, huyện Ba Vì.

Kho tàng di tích lịch sử văn hóa giá trị

Nhắc tới Ba Vì không thể không nhắc tới hình ảnh núi Tản, ngọn núi kỳ vĩ, linh thiêng gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh, về Đức Thánh Tản. Trên địa bàn huyện Ba Vì có 75 điểm thờ Tản Viên Sơn Thánh, tập trung nhiều nhất ở vùng núi Tản, sông Đà nơi được coi là phát tích của truyền thuyết. Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức rộng khắp vùng xứ Đoài Ba Vì. Đặc biệt nhất là tại cụm di tích đền Thượng- đền Trung - đền Hạ thuộc địa phận hai xã Minh Quang và xã Ba Vì. Ba Vì là huyện có số lượng di tích lớn nhất TP Hà Nội với 394 di tích các loại. Trong đó có 106 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp TP.

Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, cả nước có năm ngôi đình cổ thì cả năm đều nằm trên địa bàn Hà Nội. Trong số đó, riêng huyện Ba Vì có ba là đình Tây Đằng, đình Thanh Lũng và đình Thụy Phiêu. Ba ngôi đình này đều xây dựng vào đầu thế kỷ XVI dưới thời nhà Mạc. Đình Tây Đằng với niên đại 500 năm tuổi đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013 xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và được các tầng lớp Nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Ba Vì còn rất nhiều các di tích có niên đại khởi dựng từ lâu đời đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng, cần đầu tư tu bổ. Điều đó, đặt ra nhiệm vụ cấp thiết để huyện Ba Vì triển khai thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Ông Đỗ Mạnh Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì
Đình Tây Đằng là nơi thờ Đức Thánh Tản Viên Đệ Nhất Phúc Thần. Điều đặc biệt nhất ở đình Tây Đằng không phải ở quy mô đồ sộ mà là ở nghệ thuật điêu khắc chạm trổ, trang trí còn lưu lại trên các cột, vì kèo, xà, dấu, ván long, lá gió. Đặc biệt hơn nữa, với 1.300 họa tiết chạm khắc nhưng không một chi tiết nào giống nhau. Từ họa tiết kẻ liền bẩy bốn góc, kẻ liền bẩy vì chính, đến các đầu dư đầu duôi, xà thượng, các chồng rường, bát đỡ, câu đầu, chếnh xối, ván nong… mỗi hoa văn một kiểu, mang tính đặc sắc của các vùng miền văn hóa khác nhau. Đó là họa tiết thể hiện người nông dân trồng cấy lúa của vùng đồng bằng Bắc Bộ, quăng chài bắt cá của vùng sông nước miền duyên hải, đua thuyền của Nam Bộ, chơi đàn tính của đồng bào Tày Nùng, voi chầu của vùng Tây Nguyên, ngựa hý của vùng cao, đấu vật kéo co trong ngày lễ hội mang màu sắc dân gian, cá vượt vũ môn hóa rồng, bộ tứ linh, trời mây hoa lá rất phong phú, có tới vài chục nữ thần cưỡi mây bay lượn trên bầu trời. Các nữ thần được bố trí trên các đầu duôi khắp bốn phía sát mái đình, hình tượng các nữ thần đầu quấn khăn như những Apxara, cũng với hình tượng Bà Banh mang ý nghĩa phồn thực đậm phong cách của các nghệ nhân Chămpa... Thông qua mỗi cảnh điêu khắc, người xem thấy được ước vọng của người xưa cầu mong quốc thái dân an, mùa màng bội thu.

Cũng có niên đại từ thế kỷ XVI, đình Thanh Lũng xã Tiên Phong của hai làng Thanh Lũng và Vị Nhuế nên ngoài tên Thanh Lũng, đình còn có tên gọi là đình Hai dân. Đình Thanh Lũng có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, bao gồm các hạng mục cổng Nghi môn, Tả mạc và tòa Đại đình. Nghi môn đình Thanh Lũng được làm theo lối nghi môn trụ biểu, hai bên cột trụ biểu là hai bức tường lửng nối với hai cửa gạch nhỏ xây giống nhau kiểu hai tầng tám mái giả, đao cong. Qua Nghi môn vào một khoảng sân rộng lát gạch bát cồ có thể đi thẳng tới tòa Đại đình. Đại đình Thanh Lũng được xây dựng kiểu chữ nhất, có chiều dài 23,5m, rộng 13m. Với một quy mô đồ sộ, được xây theo lối kiến trúc gồm 3 gian, 2 dĩ với 4 lá mái to chảy rộng, 4 đầu đao cong thanh thoát nên đứng ở góc độ nào cũng thấy rõ toàn bộ cấu trúc bên trong đình với những bộ khung vì 6 hàng chân cột. Được trùng tu nhiều lần qua các thời kỳ càng tạo cho kiến trúc đình Thanh Lũng dấu ấn điêu khắc nghệ thuật phong phú của nhiều niên đại khác nhau. Hiện đình làng còn lưu giữ nhiều di vật quý như bản thần phả “Tản Viên Sơn – Tam vị Quốc chủ Đại Vương sự tích”, một hương án thờ, một cỗ khám thờ, một cỗ long ngai bài vị thờ Đức Thánh Tản và một số đồ tế tự từ các chất liệu gỗ, gốm, vải…
 Đình Tây Đằng, huyện Ba Vì.

Quan tâm công tác bảo tồn

Cùng với hệ thống đình, đền, chùa phong phú, Ba Vì còn rất nhiều các nhà thờ họ có niên đại hàng trăm năm vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc, hiện vật quý hiếm, như gia phả, câu đối, đại tự, long ngai, sắc phong, khám thờ, hương án và nhiều đồ tế khí khác… Tại các nhà thờ họ, các dòng họ không chỉ làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo di tích mà còn rất quan tâm tới việc giáo dục truyền thống cho con cháu. Trong ngày giỗ họ, con cháu đều về họp mặt đông đủ để tổ chức khen thưởng cho các cháu có thành tích trong học tập tại nhà thờ họ.

Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ VHTT&DL, UBND TP Hà Nội, huyện Ba Vì đã rất nỗ lực trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Đã có 44 di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo bằng nhiều nguồn vốn. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, Ba Vì cũng huy động kinh phí xã hội hóa từ Nhân dân, các nhà hảo tâm, các DN. Trong năm 2017 – 2018, đã triển khai dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Cổ Đô tổng mức đầu tư trên 21,5 tỷ đồng; Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Đồng Bảng, tổng dự toán 14,999 tỷ đồng; Dự án đình Đông Viên có tổng mức đầu tư được phê duyệt trên 29,9 tỷ đồng. Các dự án được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa là Nghi môn tứ trụ đền Hạ và một số hạng mục tại di tích đền Thượng. Ngoài ra, UBND huyện Ba Vì đã phân bổ 6 tỷ đồng chi công tác chống xuống cấp di tích cho 8 di tích lịch sử bị xuống cấp ở các địa phương.

Để phát huy giá trị các di tích, những năm qua, huyện Ba Vì đã phục hồi thành công lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức chính lễ vào ngày 15 tháng Giêng tại cụm di tích Đền Thượng – Đền Trung – Đền Hạ. Mỗi kỳ lễ hội đã thu hút hàng vạn người dân trong vùng và du khách thập phương. Năm 2018, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh tại Ba Vì được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc phục hồi, tổ chức lễ hội Tản Viên Sơn Thánh là thể hiện một cách sâu sắc đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", khơi dậy tinh thần yêu nước, đấu tranh chống thiên tai, giặc ngoại xâm có từ ngàn đời của ông cha, cùng những thuần phong mỹ tục của nền văn hóa dân gian. Cùng với việc phục dựng các lễ hội, từ năm 2013 – 2015, UBND huyện Ba Vì đã phối hợp với Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội tiến hành kiểm kê di tích trên địa bàn huyện. Đối với các di tích được xếp hạng, lễ đón bằng công nhận di tích được chính quyền, Nhân dân địa phương tổ chức trang trọng, vừa khơi dậy niềm tự hào về truyền thống quê hương, vừa động viên khích lệ Nhân dân tích cực tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống ấy.

Với nhiều di tích có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, Ba Vì đã và đang là địa chỉ thu hút khách thập phương đến chiêm bái và thưởng ngoạn cũng như tìm hiểu về truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông ta. Tự hào về mảnh đất quê hương, người dân Ba Vì hôm nay đang tiếp tục nỗ lực trong bảo tồn, tôn tạo để các di tích không chỉ là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh, điểm đến của du khách thập phương, là tài sản vô giá về kiến trúc nghệ thuật mà còn để truyền thống tốt đẹp của quê hương được mãi mãi trường tồn.