Bắc Giang đã tiêu thụ được gần 13.000 tấn vải thiều sớm

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho thu hoạch và tiêu thụ nông sản, nhất là trái vải thiều đang vào mùa, đến nay toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được gần 13.000 tấn vải thiều, trong đó xuất khẩu 3.200 tấn.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn, trong khi hiện đang là thời điểm bước vào vụ thu hoạch nhiều nông sản như dứa, vải thiều, bí xanh… Do đó, những ngày qua, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản nông sản đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đồng thời tổ chức thông tin, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bắc Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thống kê mới nhất, tính đến hết ngày 28/5/2021, việc tiêu thụ vải sớm của tỉnh Bắc Giang cơ bản ổn định, đã tiêu thụ được gần 13.000 tấn, trong đó xuất khẩu 3.200 tấn). Giá tiêu thụ trung bình từ  22.000 - 30.000 đồng/kg.
Vải thiều sớm Bắc Giang vẫn đang được tiêu thụ thuận lợi. Ảnh: Nguyễn Lan
Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trái vải thiều bắt đầu vào mùa thu hoạch. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành cho biết, Sở đã ban hành Hướng dẫn các biện pháp sản xuất và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản đảm bảo an toàn dịch bệnh như: Sử dụng bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, phun khử khuẩn cho các dụng cụ lao động... Khẩn trương huy động nhân lực tại chỗ và máy móc để thu hoạch các nông sản đã đến thời điểm thu hoạch. Thực hiện việc xác nhận vùng sản xuất và cơ sở sơ chế đóng gói an toàn dịch bệnh Covid-19.
Đối với vùng phải cách ly xã hội, khẩn trương có phương án huy động lực lượng quân đội, lực lượng tình nguyện (đã được xét nghiệm Covid-19 âm tính) để tham gia hỗ trợ việc thu hoạch, đóng gói và vận chuyển hàng hóa để tiêu thụ cho nông dân.
“Trường hợp lái xe vùng khác không vào được cần có phương án đổi lái xe tại các chốt kiểm tra y tế hoặc bố trí địa điểm, lực lượng để bốc xếp hàng hóa lên xe cho phù hợp. Có phương án phân luồng giao thông và thông tin rộng rãi, hướng dẫn cho lái xe đến vận chuyển tiêu thụ nông sản kịp thời” - ông Thành cho biết
Sở NN&PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, TP, các DN, hợp tác xã và hộ nông dân để nắm bắt nhu cầu tiêu thụ từng mặt hàng nông sản nhằm bố trí phương án hỗ trợ cụ thể đạt hiệu quả cao nhất.
Tỉnh Bắc Giang cũng đã quyết định thành lập 2 tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn. Các tổ này có nhiệm vụ nắm bắt và xử lý tại chỗ những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu vải qua các cửa khẩu.
Ngày 26/5, 20 tấn vải thiều sớm của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã được xuất khẩu sang Nhật. Ảnh: Nguyễn Miền
Cùng đó, thành lập “Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản Bắc Giang” trong điều kiện dịch Covid 19, có nhiệm vụ nắm bắt khó khăn, vướng mắc và nhu cầu tiêu thụ nông sản của Nhân dân, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể chính quyền cơ sở, kết nối với người sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Điều đáng mừng là trong việc tiêu thụ nông sản, Bắc Giang đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều tỉnh, thành cũng như các DN, đơn vị. Mới đây, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cũng đã chỉ đạo các đơn vị thành viên hỗ trợ mua trực tiếp vải thiều cho bà con nông dân với số lượng 180 tấn theo địa chỉ do tỉnh Bắc Giang cung cấp.
Được biết, năm 2021, diện tích vải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là 28.100ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Trong đó, diện tích vải sớm 6.050ha, sản lượng 45.000 tấn; vải chính vụ 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng 20/5/2021 đến 20/7/2021 (vải chín sớm bắt đầu thu hoạch từ 20/5; vải thiều chính vụ từ 10/6).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần