Bác Hồ - Một tình yêu lớn mãi mãi trong tôi

Bích Thủy - Hồ Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuổi thơ tôi được biết về Bác Hồ kính yêu qua những câu chuyện kể của ông bà, bố mẹ, qua bức chân dung của Bác được treo trang trọng trên tường giữa nhà.

Rồi tới tuổi đi học tôi lại được cô giáo truyền thụ qua những bài thơ, bài hát: "Nhà em treo ảnh Bác Hồ, bên trên là một lá cờ đỏ tươi", "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ", "Thư Trung thu Bác Hồ gửi các cháu thiếu niên nhi đồng"...
Theo thời gian, tình yêu với Bác lớn dần, thiết tha trong tôi khi được đọc bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" của nhà thơ Minh Huệ. Hình ảnh người cha, người anh của các chú bộ đội hiện lên sắc nét và đầy cảm động dưới ngòi bút tài hoa của nhà thơ: "Anh đội viên thức dậy/Thấy trời khuya lắm rồi/Mà sao Bác vẫn ngồi/Đêm nay Bác không ngủ".
Mỗi năm quê Bác đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tê đến tham quan
Nếu như tình yêu với Người thời mẫu giáo và tiểu học trong tôi là tình yêu thơ ngây của một đứa trẻ đối với ông tiên, ông bụt, thì lên THCS tình yêu ấy đã rõ ràng hơn, gần gũi hơn bởi lúc này đã nhận thức được Bác Hồ là có thật. Những lời nói, cử chỉ, việc làm của Bác tuy có vẻ bình thường, nhưng không phải ai cũng làm được, bởi vì "Đêm nay Bác không ngủ, vì một lẽ thường tình, Bác là Hồ Chí Minh".
Rồi những lần được vinh dự cùng đoàn đại biểu cháu ngoan Bác Hồ của nhà trường đi thăm quê Bác, được ngắm những kỷ vật và nghe các cô thuyết minh kể chuyện về Người thì tình yêu ấy lại lớn lên gấp bội: Cảm phục, mến yêu lẫn tự hào.
Lớn lên đi học, năm nào tôi cũng phải về thăm quê Bác mấy lần để nghe thuyết minh, chụp ảnh, ngắm hoa sen và mái nhà tranh bình dị. Chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày lại được về làm việc nơi đây - nơi Người đã cất tiếng khóc chào đời và sống hạnh phúc những năm tháng của thời niên thiếu.
Và rồi may mắn lại mỉm cười với tôi khi được về làm việc trên chính quê hương của Người, lại được đi sâu tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Người qua các tài liệu như: Thời thanh niên của Bác Hồ, từ Làng Sen đến bến Nhà rồng… càng hiểu biết hơn thì tình yêu đối với Người như được chắp thêm đôi cánh. Cho dù công việc chiếm rất nhiều thời gian, làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, ngày tết, thu nhập không nhiều… nhưng không làm lay chuyển tình yêu của tôi.
Công việc giúp cho tôi có cơ hội được đi nhiều nơi, tham quan các di tích, công trình lưu niệm, đền thờ về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước, được gặp gỡ nhiều người mang trên mình những màu áo khác nhau như: Trang phục dân tộc Tày, Nùng (Di tích Pác Bó, Cao Bằng), màu xanh bộ đội (Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích K9), Kiểm lâm (Vườn Quốc gia Ba Vì), áo dài màu sen hồng (Khu di tích Kim Liên). Mỗi địa điểm lưu giữ những câu chuyện cảm động, những kỷ niệm sâu sắc về Người mà càng được đi, được nghe, được thấy tôi càng thấy mình thật bé nhỏ trong tình yêu bao la của thế giới này đối với Người.
Về Khu di tích Pác Bó (Cao Bằng), để đến được nơi đây là một kỳ tích đối với người hay bị say xe như tôi, nhưng dù sao vẫn ao ước được một lần viếng thăm để được ngắm hoa mơ trắng ngần như trong câu thơ của Tố Hữu: ..."Ôi sáng Xuân nay, Xuân 41/Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/Bác về... Im lặng. Con chim hót/Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ…". Rồi được tận mắt nhìn thấy suối Lenin, Núi Các Mác nơi Người đã từng sống và làm việc những ngày đầu mới về nước hoạt động cách mạng. 
Khu di tích Pác Bó cách trung tâm TP Cao Bằng 52km về phía Bắc, là điểm đầu (km 0) của đường Hồ Chí Minh. Để đến được Khu di tích phải qua nhiều khúc cua ngoằn ngoèo, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt rất lạnh về mùa Đông.
Thế nhưng những năm gần đây Khu di tích Pác Bó đã trở mình mạnh mẽ, các công trình được đầu tư xây dựng khang trang, đẹp đẽ, các loài hoa được trồng rất nhiều và đua nhau khoe sắc, đội ngũ cán bộ viên chức làm việc tận tình, chu đáo và chuyên nghiệp.
Từ Cao Bằng trở về Hà Nội vào Lăng viếng Bác, nhìn từng dòng người nối nhau chầm chậm tiến vào Lăng lòng tôi lắng lại. Khác với dòng người hối hả ngoài kia, vào đây ai cũng trầm ngâm, trân trọng từng giây phút được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng này. Chắc hẳn không ai kìm được xúc động khi được nhìn thấy Bác bằng da bằng thịt. Bác nằm ngủ đó… thật gần mà cũng thật xa…
Ngược lên Ba Vì, tôi đến với Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Ba Vì. Tháng 5/1965, khi tròn 75 tuổi, Bác Hồ kính yêu bắt tay vào viết Di chúc dưới tiêu đề tài liệu Tuyệt đối bí mật. Trong bản thảo Di chúc do chính tay Bác đánh máy có chữ ký xác nhận của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng, Người có viết một đoạn, về việc riêng: “Sau khi tôi qua đời chớ tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế với người sống đã tốt về mặt vệ sinh lại không tốn đất. Bao giờ có nhiều điện thì điện táng càng tốt hơn. Tro xương tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo, Ba Vì hình như có nhiều đồi tốt. Trên mộ nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến phúng viếng có chỗ nghỉ ngơi...”.
Thể theo nguyện vọng của Người, năm 1999 Đền thờ của Bác Hồ trên đỉnh cao nhất của Ba Vì được xây dựng.
Để lên được đền thờ Bác Hồ, từ chân núi Ba Vì, du khách phải đi ô tô leo dốc quanh co vượt quãng đường dài hơn 12km, tiếp đó, phải leo hơn 1.320 bậc thang đá bên vách núi. Ngôi đền thiêng thờ Bác nằm ở độ cao 1.296 mét, là đỉnh cao nhất dãy Ba Vì. Tuy làm việc ở nơi có địa hình hiểm trở như vậy nhưng lực lượng cán bộ kiểm lâm ở đây ai cũng vui vẻ, nhiệt tình và hào hứng làm việc. Họ tâm sự rằng đã được "Bác che chở để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ rừng vừa yêu thêm công việc của một người gác đền. Có những lúc trời mưa rất to, sấm chớp đùng đùng, anh em rất lo lắng vì đây là đỉnh núi cao nhất có thể bị sét đánh, xung quanh khu vực này đã có nhiều cây to bị sét quật ngã, nhưng suốt những năm qua, ở đây luôn bình an vô sự”.
Ngoài ngôi đền thờ của Bác trên đỉnh núi thiêng Ba Vì thì ở nhiều nơi trên khắp đất nước, Nhân dân cũng lập đền thờ Bác, đặc biệt là ở Nam Bộ. Theo thống kê chưa đầy đủ hiện ở Nam Bộ đang có trên 50 khu tưởng niệm, đền thờ Bác ở khắp các tỉnh, thành. Những ngôi đền thờ Bác Hồ ở Nam Bộ dù có quy mô và hình thức xây dựng khác nhau nhưng đều có một điểm chung là rất trang trọng, giản dị và gần gũi.
Đền thờ Bác đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho người dân Nam Bộ trong những năm kháng chiến gian khổ, là nơi để đồng bào hương khói, tưởng nhớ và dành những tình cảm tha thiết với người con ưu tú nhất của dân tộc.
Rước ảnh Bác tại lễ hội Làng Sen
Hiện nay không chỉ những ngày lễ, Tết, ngày giỗ Bác, người dân đến đền thờ, khu tưởng niệm để cúng, dâng hương hoa mà mỗi khi có công việc quan trọng cần làm hay hoàn thành một việc tốt, việc có ý nghĩa, người dân lại đến báo cáo với Bác. Người dân Nam Bộ vốn chất phác, hồn hậu, họ ghi nhớ công ơn trời biển của Bác với đất nước, dân tộc, với đồng bào miền Nam.
Vì vậy họ lập đền thờ Bác như một lẽ tự nhiên, là tình cảm rất chân thật, hình tượng Bác Hồ sẽ còn mãi trong tâm khảm của người dân Nam Bộ, như Bác Hồ đã từng nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi. Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Được đi nhiều, gặp gỡ, học hỏi nhiều càng thấy và hiểu hơn tình cảm sâu sắc của Nhân dân ta khắp mọi miền đối với Bác; cũng như tình cảm lớn lao của Bác, những giá trị nhân văn cao cả của Người đối với tất cả Nhân dân và mọi vấn đề trong cuộc sống, chúng con càng thêm yêu Người, kính trọng, ngưỡng mộ, tự hào về Người. Người đã, đang và sẽ mãi mãi là tình yêu lớn trong trái tim chúng con.