Bắc Kinh áp "phong tỏa mềm" đối phó đợt bùng phát Covid-19 thứ hai

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắc Kinh đang thực hiện áp "phong tỏa mềm" đối phó đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai, Brazil lập kỷ lục về số ca nhiễm mới với 34.918 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Theo thống kê của trang worldometers, tính đến 6 giờ 30 sáng 17/6, thế giới đã ghi nhận 8.248.074 ca mắc, trong đó có đến 445.140 trường hợp thiệt mạng.
Bắc Kinh áp "phong tỏa mềm" đối phó dịch Covid-19 tái bùng phát
Nhà chức trách Trung Quốc mô tả tình hình dịch Covid-19 tại thủ đô Bắc Kinh hiện "cực kỳ nghiêm trọng" với ít nhất 106 ca nhiễm mới Covid-19 được ghi nhận trong cộng đồng trong vòng 5 ngày trở lại đây, bao gồm cả 27 trường hợp ngày 16/6.
Dịch tái bùng phát được xác định có liên quan đế chợ đầu mối Xinfadi ở quận Phong Đài của Bắc Kinh, nơi bán ra hàng tấn thực phẩm mỗi ngày và đã có hơn 200.000 người từng đến đây kể từ ngày 30/5.
 Chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã nâng mức cảnh báo đại dịch Covid-19. 
Ngày 16/6, sau khi kích hoạt “các biện pháp thời chiến” để ứng phó đại dịch Covid-19, chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã nâng mức cảnh báo đại dịch Covid-19 và hạn chế hoạt động của một số dịch vụ công cộng.
Phát biểu tại cuộc họp báo tối 16/6, Phó bí thư Thành ủy Bắc Kinh Chen Bei cho biết chính quyền thành phố quyết định nâng mức tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng từ mức 3 lên mức 2 (mức báo động cao nhất là mức 1).
Nhà chức trách địa phương yêu cầu các cư dân tránh di chuyển "không cần thiết" ra khỏi thủ đô và bất kỳ ai đến hay rời khỏi TP Bắc Kinh đều phải làm xét nghiệm Covid-19.
Bắc Kinh hiện áp phong tỏa thêm nhiều khu dân cư với 27 khu trong số đó được xếp vào nhóm nguy cơ trung bình và một khu được đánh giá là nguy cơ cao. Người dân sinh sống tại những khu vực bị phong tỏa này sẽ được cấp phát thực phẩm và thuốc men đầy đủ.
Trong thông báo ngày 16/6, Sở Giao thông vận tải thành phố Bắc Kinh cho biết, từ ngày 15/6, tất cả các hãng taxi và hãng cung cấp dịch vụ đi xe chung bị cấm ra khỏi thành phố cho đến khi có thông báo tiếp theo. Một số tuyến xe buýt nối giữa Bắc Kinh và các tỉnh Hà Bắc và Sơn Đông lân cận cũng tạm đình chỉ. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo luật định. 
Do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, TP đã chỉ đạo các trường học phổ thông trong địa bàn khôi phục các lớp học trực tuyến trong khi các trường đại học hoãn kế hoạch cho sinh viên trở lại trường.
Các tụ điểm giải trí công cộng, chơi thể thao trong nhà tạm thời bị đóng cửa. Các thư viện, bảo tàng, phòng trưng bày tranh và công viên phải giới hạn số người phục vụ. Các công ty cũng được khuyến khích cho nhân viên làm việc tại nhà. Hệ thống xe khách và xe taxi liên tỉnh hiện phải tạm dừng hoạt động.
Wu Zunyou, nhà dịch tễ học hàng đầu tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho rằng, mầm bệnh gây làn sóng dịch Covid-19 thứ hai ở đại lục hiện nay có nguồn gốc nhập ngoại, rất giống chủng virus được phát hiện ở châu Âu, Mỹ hoặc Nga.
Tuy nhiên, Mike Ryan, giám đốc các tình huống khẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi đây mới chỉ là "giả thuyết ban đầu". Ông hy vọng nhà chức trách y tế Trung Quốc sẽ công bố kết quả giải trình tự gien của virus ở Bắc Kinh cũng như điều tra kỹ lưỡng và kiểm soát chặt các diễn biến dịch mới.
Brazil lập kỷ lục về số ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ
Với việc xác nhận có thêm 34.918 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, Brazil ngày 16/6 đã lập kỷ lục về số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ, đồng thời đưa tổng số ca bệnh tại nước này lên tới 923.189 - con số cao thứ 2 thế giới sau Mỹ.
Cùng với đó, Brazil cũng xác nhận thêm 1.123 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong lên 45.241.
 Brazil lập kỷ lục về số ca nhiễm mới với 34.918 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. 
Giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne nhận định Brazil đang là một mối quan tâm lớn, khi không thấy sự bùng phát của dịch bệnh chậm lại. Quốc gia này chiếm khoảng 1/4 tổng số  4 triệu ca nhiễm Covid-19 ở châu Mỹ.
Tổ chức Y tế Liên Mỹ khuyến nghị Brazil và các quốc gia khác trong khu vực tiếp tục tăng cường sự giãn cách xã hội và kêu gọi mở cửa lại nền kinh tế nên được thực hiện từ từ và cẩn thận.
Tuy nhiên, Tổng thống Brazil Bolsonaro từ lâu đã phản đối các biện pháp cách ly xã hội và nhiều khu vực của đất nước đang mở cửa trở lại để hoạt động kinh tế bất chấp bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần