Bác sĩ cứu người, ai cứu bác sĩ?

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ Lê Quang Dương, bệnh viện Thạch Thất đã khiến nhiều thầy thuốc cảm thấy bất an với nghề.

Khẩu hiệu “cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” có lẽ khó có thể trọn nghĩa nếu chính người bệnh và người nhà bệnh nhân thiếu đi sự tôn trọng với các bác sĩ.
Máu đổ trên bệnh án
Nếu máu dính trên người bác sĩ sau một ca phẫu thuật kéo dài hay sau một ca cấp cứu bệnh nhân vì tai nạn lao động, tai nạn giao thông thì đó là những hình ảnh đáng được trân trọng. Nhưng hình ảnh người bác sĩ nằm bất tỉnh trên cáng, đầu bê bét máu, trên áo blouse, trên sàn nhà và trên trang bệnh án đều vương vãi vết máu khiến người ngoài nhìn vào không khỏi rùng mình. Vụ hành hung bác sĩ như thế này không phải là lần đầu xảy ra. Dư luận đến giờ vẫn còn nhớ vụ việc người nhà bệnh nhân cầm ghế tấn công cán bộ y tế, trong đó có nữ y tá đang mang thai 7 tháng tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai vào cuối năm 2014. Hay sự việc xảy ra tại Khoa Cấp cứu BV Việt Tiệp (TP Hải Phòng) vào tháng 10/2015, khi bệnh nhân đang nằm trên cáng vẫn vùng dậy lao tới đánh bác sĩ trực vì cho rằng vị bác sĩ đã to tiếng với bố mình. Tại BV Đa khoa Cần Thơ cũng đã từng xảy ra vụ bệnh nhân nhiễm HIV cầm kéo đe dọa bác sĩ, truy đuổi kíp trực…

Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất 

Riêng tại BV Thanh Nhàn (Hà Nội), trong 3 tháng đầu năm 2017 đã xảy ra 3 vụ xô xát, gây rối trong BV. Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tình trạng mất an ninh, trật tự xảy ra nhiều nhất tại các BV tuyến tỉnh, chiếm 60%, đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (chiếm 70%), điều dưỡng (15%). Điều đáng nói, có đến 60% vụ tấn công xảy ra khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh, còn lại xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Giám đốc BV Đa khoa huyện Thạch Thất Vương Trung Kiên chia sẻ, anh đã từng nhiều năm công tác tại BV Xanh Pôn rồi mới luân chuyển về BV Thạch Thất. Bác sĩ Kiên cho rằng, nguy cơ xô xát xảy ra tại các BV tuyến huyện cao hơn do 3 yêu tố: kinh tế thấp, trình độ dân trí người dân ở nông thôn hạn chế hơn ở TP, tâm lý “gần nhà” ở đây cũng là một mối đe dọa cho các cán bộ y tế.
Thiếu công tâm
Bất bình trước những vụ hành hung cán bộ y tế, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BV Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ, trên thế giới không có luật riêng để bảo vệ nhân viên y tế. Ở Việt Nam có luật phòng chống người thi hành công vụ nhưng lại chỉ dành cho những nhà hành pháp với đầy đủ công cụ hỗ trợ trên tay, còn những người làm nghề y - những đối tượng nguy cơ cao bị tấn công thì chưa có một phương án tự vệ nào được tính đến thực sự hiệu quả. “Nhẩm tính với 560.000 nhân viên y tế trong cả nước (chưa tính quân y) số các "con sâu bỏ rầu nồi canh" mà báo chí "phanh phui" chắc không vượt quá con số 50 trong 1 năm. Vậy tỷ lệ sẽ là trên dưới một phần trăm ngàn, thật bất công để số còn lại vào chung một chỗ để phỉ báng, hành hung” - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu bức xúc.

Bác sĩ Lê Quang Dương bị hành hung

Về phía người dân, một số người cho rằng các vụ việc bạo hành cán bộ y tế âu cũng vì “tức nước vỡ bờ”, “không có lửa sao có khói”. Thế nhưng, nhiều người cũng phải thừa nhận rằng, những đối tượng hành hung cán bộ y tế phần lớn là các đối tượng đã từng có tiền án, tiền sự, dân trí thấp, đánh bác sĩ vì tính hiếu thắng. Một vị bác sĩ đang công tác tại khoa Ngoại, BV Đại học Y Hà Nội cũng tâm sự, đã có lần anh suýt bị người nhà bệnh nhân đánh vì…không nhận phong bì: “Họ cho rằng không nhận phong bì là sẽ không chăm sóc bệnh nhân tận tình, người định đánh tôi là một người vừa mới ra tù. Khi tôi gọi riêng anh ta vào phòng nói chuyện và giải thích rõ về bệnh tình của người nhà và động viên thì anh ta đã ăn năn và xin lỗi”. Nhiều cán bộ ngành y khác cũng bày tỏ sau vụ việc tại BV Thạch Thất, người dân luôn đòi hỏi bác sĩ phải thân thiện nhưng một bộ phận nhỏ người bệnh và người nhà bệnh nhân lại không thấu hiểu được sự vất vả của ngành y.
Cần thay đổi từ hai phía
Trước những sự việc bạo hành nhân viên y tế đã xảy ra, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho rằng, mọi vấn đề đều phải nhìn nhận từ hai phía, muốn an ninh BV được an toàn, thì ngay các cơ sở y tế, cũng như nhân viên y tế cần phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thay đổi phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Có như vậy, thì người bệnh, cũng như người nhà người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái khi điều trị và đó chính là cách bảo vệ mình. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh, các cơ sở y tế cần phải cảnh giác, tăng cường việc bảo vệ an ninh, trật tự nhất là những nơi có đông người bệnh như khoa Khám bệnh, khoa Cấp cứu. Đồng thời phải lắp đặt hệ thống camera giám sát ở những nơi trọng yếu, vừa là để phát hiện nhanh sự việc, vừa để ghi lại bằng chứng khi xảy ra sự việc. Một vấn đề nữa cũng hết sức lưu ý, đó là nhân viên y tế cũng phải biết cách tự bảo vệ mình. “Vẫn biết, có những sự việc xảy ra bất ngờ, ngoài sự tưởng tượng. Nhưng trong quá trình tiếp xúc bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế nên quan sát hành vi, thái độ của người bệnh để có cách ứng xử, cũng như đề phòng sự việc xấu có thể xảy ra” – ông Quang cho hay.
Lên án mạnh mẽ hành động hành hung bác sĩ tại BV Thạch Thất, ông Nguyễn Huy Quang cho biết, đây là hành động dã man, vô nhân tính, cả xã hội cần phải lên án mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi cho các bác sĩ, cũng như tạo môi trường lành mạnh để các bác sĩ chuyên tâm chữa bệnh cứu người. Sự việc xảy ra ở Thạch Thất nói riêng và các vụ việc hành hung nói chung, khi đủ điều kiện khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì cơ quan thực thi pháp luật nên xét xử lưu động để răn đe và làm gương cho những trường hợp khác. Về phía Bộ Y tế, để ngăn chặn những sự việc tương tự có thể xảy ra ở các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các BV đa khoa, tới đây Bộ Y tế sẽ ra chỉ thị về vấn đề an ninh BV.
Phải nâng cao chế tài xử phạt những hành vi xâm hại thầy thuốc. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thực hiện giám sát, tăng cường kiểm tra, phối hợp cơ quan bảo vệ pháp luật. Bên cạnh đó, cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng dịch vụ với phương châm “Càng tôn trọng người bệnh và gia đình người bệnh bao nhiêu sẽ nhận lại sự tôn trọng bấy nhiêu”, đồng thời tiếp tục nâng cao các hoạt động bảo đảm an ninh trong BV.
Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế  Lương Ngọc Khuê

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần