Bắc Từ Liêm: Hơn 1.400 DN nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chương trình giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) đối với người lao động (NLĐ) tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Hà Nội, sáng nay (5/10), đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP đã có buổi làm việc với quận Bắc Từ Liêm, đại diện các sở, ngành liên quan và một số DN có nợ đọng BHXH, BHYT.

Theo lãnh đạo BHXH Bắc Từ Liêm, hiện tại quận có 2.320 đơn vị, DN tham gia BHXH với 31.000 lao động đóng BHXH, BHTN và hơn 200.000 người tham gia BHYT. Tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn đến tháng 8/2017 đạt 82,5%; song tỷ lệ DN chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc vẫn chiếm hơn 62% tổng số DN trong danh sách thuế. Thời gian qua, mặc dù BHXH quận thực hiện nghiêm các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn trong quá trình thu BHXH, BHYT, công tác thu hồi nợ BHXH, BHYT cũng được UBND quận chỉ đạo quyết liệt, nhưng hiện tỷ lệ nợ của các DN vẫn ở mức cao. Cụ thể, đến tháng 8/2017, quận còn 1.441 DN có nợ BHXH, BHYT, ảnh hưởng đến 21.921 lao động, với tổng tiền nợ 113,144 tỷ đồng. Trong đó, có 27 DN có nợ 500 triệu đồng trở lên, 603 DN nợ 3 tháng trở lên; DN ngoài quốc doanh có tỷ lệ DN nợ cao nhất (trên 97%); đặc biệt có 105 DN với tổng số nợ 19,66 tỷ đồng khó có khả năng thu hồi, do các DN đã bỏ giao dịch, giải thể, phá sản.
 Đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với quận Bắc Từ Liêm, đại diện các sở, ngành liên quan và một số DN có nợ đọng BHXH, BHYT.
Cùng với tăng cường các giải pháp như công tác tuyên truyền, thanh tra kiểm tra, xác định tình trạng DN để kịp thời xử lý nợ, đẩy mạnh khởi kiện các DN nợ BHXH, BHYT…, UBND-BHXH quận Bắc Từ Liêm cũng kiến nghị TP đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho DN, NLĐ, người sử dụng lao động và thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức hiệu quả. Đặc biệt, để có thể khởi kiện các DN nợ BHXH, quận đề nghị xem xét quy định thống nhất sử dụng kết luận kiểm tra của cơ quan thuế có nội dung về nợ BHXH trong hồ sơ khởi kiện các DN nợ BHXH. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần sửa đổi quy định về thủ tục khởi kiện các DN nợ BHXH, BHYT theo hướng không cần có đơn tố cáo hoặc giấy ủy quyền của NLĐ trong các DN nợ BHXH, BHYT; chỉ cần căn cứ hồ sơ xác định nợ BHXH, BHYT do cơ quan BHXH chuyển là tổ chức công đoàn có thể khởi kiện chủ sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi của NLĐ.

Tại buổi làm việc, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra các DN, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT của quận Bắc Từ Liêm, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương cũng nhận định, quận vẫn còn một số tồn tại trong công tác này: Nhận thức về trách nhiệm, quyền lợi tham gia BHXH, BHYT của các DN còn hạn chế; quận vẫn đứng thứ năm về nợ đọng BHXH, BHYT tại TP… “Bắc Từ Liêm cần cố gắng rất nhiều để thoát khỏi “top10” quận, huyện nợ đọng BHXH của TP”, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh và cũng đề nghị: Quận cần tăng cường thanh tra, kiểm tra về thực hiện BHXH, BHYT tại các DN nhưng cần lồng ghép vào các nội dung khác để tránh phiền hà DN; chỉ đạo quyết liệt thu hồi nợ đọng, bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền thay vì chỉ áp đặt bằng các luật, cũng để DN nhận thức rằng, việc quan tâm chăm lo cho NLĐ chính là để DN phát triển bền vững. Đồng thời, quận cần tăng cường phối hợp giữa chính quyền với các cơ quan BHXH, Thuế, Công an, LĐLĐ… để làm tốt công tác BHXH, BHYT; kiên quyết không để phát sinh nợ mới, trong bối cảnh TP đang phấn đấu đến năm 2020 kéo tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 4%. “Dù mọi lĩnh vực khác được làm tốt, nhưng nếu riêng công tác BHXH, BHYT không được thực hiện tốt thì cũng kéo chỉ số năng lực cạnh tranh xuống thấp”, Trưởng đoàn giám sát nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần