Bắc Từ Liêm: Nhiều cách làm hay giúp tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 90%

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại buổi giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều nay (27/10), trước câu hỏi về kết quả ấn tượng tỷ lệ hòa giải thành trong 9 tháng qua tại quận đạt tới 90%, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Nắng Mai chia sẻ, nguyên nhân quan trọng do thời gian qua quận luôn quan tâm công tác hòa giải ở cơ sở với nhiều cách làm hay, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị...

Tại buổi giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều nay (27/10), đại diện cho lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương 9 tháng năm nay, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Nắng Mai cho hay: 9 tháng qua, quận đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa phát triển KT-XH vừa phòng chống dịch Covid-19 quyết liệt, hiệu quả, nhiều mặt công tác được Thành phố (TP) và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Trong đó, kinh tế được duy trì phát triển, thu ngân sách đạt kết quả cao, công tác đầu tư xây dựng có tiến bộ vượt bậc, tỷ lệ giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách quận đứng đầu TP. Hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, TDTT được tổ chức phong phú góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của Nhân dân; an sinh xã hội được chú trọng; sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, đất đai, trật tự xây dựng, GPMB, bảo vệ môi trường cũng được tập trung chỉ đạo hiệu quả, có chuyển biến rõ. Công tác cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử được chú trọng, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của các tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính. Công tác chuẩn bị và phục vụ Đại hội Đảng bộ ở các cơ sở và quận nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức thực hiện tốt. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, thực hiện các kết luận thanh tra được chỉ đạo thường xuyên....

Đáng chú ý, dù nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tổng thu ngân sách 9 tháng trên địa bàn quận vẫn đạt 3.176,948 tỷ đồng, đạt 103,9% dự toán TP, quận giao và tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý, tỷ lệ hòa giải thành 9 tháng qua trên địa bàn quận đạt tới 90% (47/52 vụ). Quận đã tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức được 37 hội nghị với 4.431 lượt người tham dự, tuyên truyền về Luật Tố cáo, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, 2 bộ quy tắc ứng xử… Đồng thời, giải quyết tốt kiến nghị của cử tri, dư luận xã hội, các nội dung báo chí phản ánh theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.
 Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Nắng Mai phát biểu tại Giao ban báo chí
Trước câu hỏi của phóng viên về kết quả ấn tượng tỷ lệ hòa giải thành trong 9 tháng qua tại quận đạt tới 90%, bà Nguyễn Thị Nắng Mai chia sẻ: Nguyên nhân quan trọng do thời gian qua, quận luôn quan tâm công tác hòa giải ở cơ sở, với nhiều cách làm hay, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị... Quận đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, bố trí nhân lực và kinh phí đầy đủ phục vụ công tác này; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng tập huấn, phát tài liệu cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Nhất là năm 2019, quận đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch dài hơi 2019-2020 để nâng cao năng lực đội ngũ này, đã rất phát huy hiệu quả. Quận cũng thực hiện tốt mô hình “hòa giải 5 tốt” (phát hiện sớm, quan tâm những người thuộc đối tượng hòa giải, hòa giải đạt tỷ lệ trên 80%, không để phát sinh trở lại vụ việc…) với những tiêu chí cụ thể, có định hướng rõ ràng đến các tổ hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra, quận rất quan tâm kiện toàn củng cố tổ hòa giải ở cơ sở; chú trọng đội ngũ luật sư, luật gia, những người có quá trình công tác am hiểu pháp luật để mời họ vào tổ hòa giải; khen thưởng kịp thời và khuyến khích những mô hình hòa giải hay, nhân rộng mô hình tiên tiến, bố trí kinh phí tổ chức các cuộc thi hòa giải ở cơ sở, hướng tới Ngày Pháp luật Việt Nam cũng tổ chức mit tinh và thi hòa giải viên xuất sắc để tạo sân chơi cho các hòa giải viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau…
"Việc hòa giải không chỉ được làm 1 lần mà có nhiều “vòng”, với sự vào cuộc của cả hội phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên… để cùng nhau chia sẻ khó khăn của các đối tượng trong cuộc tranh chấp để họ thấu hiểu, chia sẻ lẫn nhau" - bà Nguyễn Thị Nắng Mai cho biết thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần