Bách khoa toàn thư Việt Nam cần cô đọng, ngắn gọn nhất

Kiều Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc họp với Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, ngày 20/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng đề nghị tạo điều kiện, cơ chế phù hợp để các nhà khoa học tham gia biên soạn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam.
Trong năm 2017, Hội đồng Chỉ đạo và Ban Chủ nhiệm Đề án phối hợp với cơ quan chủ trì là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chỉ đạo các Ban biên soạn chuyên ngành tập trung vào việc hoàn thiện thuyết minh và dự toán của nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng Đề cương quyển chuyên ngành thuộc Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam".
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang cho biết dự kiến, năm 2018, sau khi nghiệm thu nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng Đề cương quyển chuyên ngành thuộc Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam", các quyển sẽ chính thức bắt tay vào biên soạn các mục từ đã được xác lập trong quá trình xây dựng đề cương năm 2017.
Tại cuộc họp các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận về một số nội dung mang tính kỹ thuật, liên quan đến biên soạn mục từ của một số phân ngành; cơ chế khoán, thanh toán cho các nhà khoa học nhận xét, góp ý, phản biện các mục từ; thanh toán một số hoạt động khác...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sau gần 2 năm thực hiện, nhiều công việc đã dần đi vào nền nếp, cần tiếp tục xây dựng nguyên tắc hoạt động cho giai đoạn tới, rà soát, cắt bỏ các thủ tục, hoạt động không cần thiết.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chủ nhiệm đề án, các cơ quan liên quan cần có cơ chế giao quyền chủ động cho Trưởng ban biên soạn về sử dụng kinh phí chuyển cho các thành viên biên soạn, căn cứ vào tiến độ và chất lượng công việc, nhằm tránh trường hợp có thành viên nhận tiền nhưng không làm hoặc có làm nhưng sản phẩm không đạt chất lượng.
“Cơ chế tài chính sau thời gian thí điểm cần xây dựng chính thức, theo hướng bổ sung, khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện. Các đồng chí cần chú ý việc xây dựng định mức, đơn giá đối với việc biên soạn mục từ cần khuyến khích theo hướng cô đọng, ngắn gọn nhất. Thủ tục phải đơn giản để giúp nhà khoa học tập trung vào công việc biên soạn. Thời gian biên soạn nên đủ để các nhà khoa học thực hiện công việc một cách hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.
Theo kế hoạch, trong năm 2018, Ban Chủ nhiệm Đề án sẽ nghiệm thu 37 nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng Đề cương quyển chuyên ngành thuộc Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam"; triển khai biên soạn các mục từ, trong đó, ưu tiên biên soạn trước các mục từ chuyên ngành đặc thù; ban hành cơ chế tài chính chính thức...