Thực phẩm bẩn và hàng giả hoành hành: Đi tìm những khoảng tối
Bài 2: Những lỗ hổng, “con voi” chui lọt
Kinhtedothi - Thực phẩm bẩn, hàng giả không thể ngang nhiên tồn tại, lưu thông nếu cơ quan chức năng siết chặt quản lý. Những “cánh cửa” cấp phép, kiểm tra, hậu kiểm… nhiều khi đã bị vô hiệu hóa bởi một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất, bị mua chuộc hoặc ngó lơ có chủ đích. Khi người dân mua phải thực phẩm bẩn, hàng giả, đặc biệt là thuốc giả, thực phẩm chức năng (TPCN} giả, không chỉ sức khỏe bị tổn hại, tính mạng bị đe dọa, mà hơn thế, niềm tin vào thể chế, vào hệ thống quản lý Nhà nước bị tổn hại nghiêm trọng.
Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, hàng giả vì thế không thể chỉ nhắm vào các đối tượng sản xuất và phân phối, mà phải nhìn thẳng vào trách nhiệm của những người có quyền nhưng lại lạm dụng quyền lực, thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí là cấu kết với cái sai để trục lợi.
“Vùng trắng” trong kiểm tra, giám sát
Tình trạng hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, đang hoành hành trên thị trường không chỉ do thủ đoạn tinh vi của các đối tượng sản xuất, kinh doanh, còn do những lỗ hổng nghiêm trọng trong công tác quản lý.

Phòng Cảnh sát Kinh tế – Công an Thành phố phát hiện hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh tại chợ Phùng Khoang, phường Đại Mỗ, thành phố Hà Nội.
Phân tích việc này, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên - tỉnh Thái Bình cũ) cho rằng, chính sách quy định DN được tự công bố nhằm tạo thuận lợi, giảm thủ tục hành chính (TTHC) cho DN, nhưng cũng bộc lộ nhiều lỗ hổng và rủi ro cho sức khỏe cộng đồng và công tác quản lý. Khi DN chạy theo lợi nhuận bỏ qua các tiêu chuẩn an toàn, nguy cơ sản phẩm gây hại sức khỏe, ngộ độc, bùng phát dịch bệnh thực phẩm sẽ tăng cao. Các cơ quan quản lý không kiểm nghiệm thực tế sản phẩm, chỉ kiểm soát trên hồ sơ DN nộp, trong khi DN hoàn toàn chủ động về thông tin công bố, không có xác nhận của bên thứ ba. Điều này dẫn đến nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lọt lưới và đến tay người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến, công tác thanh tra đôi khi vẫn phải chạy theo vụ việc, chưa xứng tầm, chưa đáp ứng được mong đợi của người dân. Việc thanh tra theo kế hoạch không mang lại nhiều hiệu quả. Thanh tra mà báo trước thì DN, cơ sở đó không “vở sạch chữ đẹp” mới là lạ. Cũng có những trường hợp vẫn chây ì, vi phạm như thường. Ngược lại, thanh tra đột xuất mới thể hiện nghề của thanh tra, khi đi đột xuất là phát hiện vi phạm.
Trích dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng buôn lậu, làm cả hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết thì chỉ có 2 khả năng, một là không còn ý chí chiến đấu, hai là bị mua chuộc, có tiêu cực. Cả hai điều này đều phải xử lý nghiêm. Thủ tướng nhấn mạnh phải phân định trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không để khoảng trống trong quản lý Nhà nước.
Thực tế cho thấy, thời gian qua cơ quan chức năng đã chủ động nhận diện, phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng giả với quy mô lớn, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có sự câu kết, móc nối giữa DN với cán bộ thoái hóa, biến chất trong cơ quan có trách nhiệm quản lý Nhà nước.
Nhiều vụ án lớn về sản xuất, buôn bán thuốc giả, TPCN giả, vật tư y tế giả bị phanh phui. Trong đó, có thể kể đến vụ án buôn bán thuốc trị ung thư giả của Công ty CP VN Pharma liên quan đến nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường (năm 2019). Mới đây là vụ sản xuất, buôn bán hàng trăm tấn TPCN giả của Công ty MediPhar và Công ty MEDIUSA, ngoài khởi tố các đối tượng trong DN, đã khởi tố một số cán bộ, công chức, trong đó có nguyên Cục trưởng ATTP, Bộ Y tế về hành vi nhận hối lộ; hay như vụ sản xuất, buôn bán sữa bột giả trên địa bàn Hà Nội, vụ thuốc chữa bệnh giả ở Thanh Hóa…

Phòng Cảnh sát Kinh tế – Công an Thành phố phát hiện hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh tại thôn Dư Xá, thôn Đặng Giang, xã Hòa Xá, thành phố Hà Nội.
Tính đến nay có 4/6 vụ án, vụ việc liên quan đến sản xuất buôn bán hàng giả, TPCN giả, thuốc chữa bệnh giả, trong đó có liên quan đến Công ty Z holding và Cục ATTP, Bộ Y tế. Đây không chỉ là vụ việc nghiêm trọng riêng lẻ, còn cho thấy một “mảng tối” trong công tác quản lý ATTP, dấu hiệu cảnh báo về đạo đức kinh doanh, đạo đức công vụ hiện nay.
Yếu kém là do đâu?
Phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) thẳng thắn cho rằng, cần nhìn thẳng vào công tác quản lý. Với đội ngũ quản lý thị trường hùng hậu, trong khi địa phương có cả cơ quan chức năng chuyên về quản lý ATTP, nhưng khi xảy ra vụ việc mới đi kiểm tra, xác minh hay khi báo chí, mạng xã hội đăng lên, chúng ta mới vào cuộc kiểm tra. Như vậy, rõ ràng công tác quản lý đang có… vấn đề.
Cụ thể là gì? “Đây là sự suy thoái, biến chất đạo đức của đội ngũ làm công tác quản lý. Chúng ta có đủ công cụ về pháp luật. Tại sao để xảy ra chuyện đến mức bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi nhận hối lộ, vi phạm pháp luật, nhận tiền để bỏ qua lỗi. Đây là vấn đề cần tập trung đánh giá. Hiện chúng ta đang thiếu cơ chế giám sát, nhất là đội ngũ quản lý và quản lý trực tiếp” - đại biểu Trịnh Xuân An nêu rõ.

Doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Phố Nối A, Văn Lâm (Hưng Yên) sản xuất hàng chục nghìn tấn dầu ăn Ofood cho người từ dầu thực vật làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Cắt từ clip VTV
Đề cập tới những nổi cộm hiện nay trong ATTP, nhất là vụ sữa giả, thức ăn đường phố không bảo đảm chất lượng… nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan kiến nghị làm rõ đơn vị quản lý để bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, rõ trách nhiệm thuộc về ai, không thể để hiện tượng “một mâm cơm 5 người quản lý”. “Sản phẩm sữa giờ ai chịu trách nhiệm khi Bộ Công Thương trả lời không thuộc đối tượng quản lý. Thế ai quản lý gần 600 loại sữa này. Ai quản lý thực phẩm thức ăn đường phố khi có 5.000 đồng - 10.000 đồng/que xiên nướng bán ở cổng trường cho các cháu học sinh? Đây là vấn đề nổi lên hiện nay cần phải làm rõ”, nguyên Phó Chủ tịch nước nêu thực trạng.
Có thể thấy, việc chống thực phẩm bẩn, hàng giả không thể hiệu quả nếu không giải quyết tận gốc việc buông lỏng quản lý, đặc biệt là tình trạng bảo kê, thỏa hiệp lợi ích từ bên trong bộ máy công quyền. Cuộc chiến chống hàng giả không chỉ là cuộc chiến về kinh tế hay sức khỏe, còn là cuộc chiến để củng cố lại niềm tin của Nhân dân. Để làm được điều đó, không thể né tránh mà phải nhìn thẳng vào trách nhiệm, làm rõ những "góc khuất" của những người có quyền nhưng lại bỏ bê nhiệm vụ, thậm chí tiếp tay cho cái sai.
Trích dẫn
Trước hàng loạt vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATTP, Bộ Y tế đã xây dựng Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Điểm nhấn lớn nhất của Dự thảo là quy định DN không được tự công bố thực phẩm bổ sung như trước, mà bắt buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm để cơ quan quản lý thẩm định và hậu kiểm.
Nhiều chuyên gia nhận định một số cơ sở sản xuất, buôn bán hàng giả đã hoạt động trong thời gian dài, quy mô lớn, thậm chí bị báo chí phanh phui nhiều lần nhưng vẫn "bình an vô sự" hoặc nhanh chóng tái hoạt động ở địa điểm khác. Lấy ví dụ vụ việc DN ở Khu công nghiệp Phố Nối A, Văn Lâm (Hưng Yên) sản xuất hàng chục nghìn tấn dầu ăn Ofood cho người từ dầu thực vật làm thức ăn chăn nuôi, riêng trong 3 năm lợi nhuận thu về là khoảng 8.200 tỷ đồng. Hơn chục năm qua, hàng triệu người đã sử dụng sản phẩm tiềm ẩn hàng loạt rủi ro, trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân như thế. Nhưng khi xem xét về trách nhiệm, quan chức của bộ này cho là trách nhiệm của bộ kia, vấn đề phải làm rõ là sản phẩm có bổ sung vi chất khác không. Một quan chức khác lại viện dẫn: nếu không bổ sung vi chất và trách nhiệm của chúng tôi thì Bộ cũng đã giao quyền cho UBND các tỉnh thực hiện việc kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm. Còn với cơ sở, tuy tình hình thực tế có thể giao cho Sở A hoặc Sở B làm đầu mối quản lý…
Chuyện cứ rối lên như tơ vò, kết quả thế nào, chắc “hồi sau sẽ rõ”. Nhưng gần 20 ngày qua, “quả bóng” trách nhiệm cứ được ban chuyền như thế. Có thể không nói ra khi phải chờ những chứng rõ ràng được lực lượng bảo vệ pháp luật đưa ra ánh sáng, song trong suy nghĩ của phần đông xã hội là đã xuất hiện sự "bảo kê ngầm” nào đó từ phía những người có trách nhiệm.
Bàn luận về vấn đề này, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, từ chính cuộc tổng tấn công thực phẩm bẩn, hàng giả, một sự thật không thể né tránh lại được hé lộ, đó vẫn còn tình trạng cán bộ buông lỏng quản lý, bao che cho các vi phạm trong lĩnh vực. Đó chính là những hành vi tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ tha hóa trong các cơ quan công quyền hiện nay.
Để những bàn tay cán bộ không dính chàm
Để thực hiện hiệu quả cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, hàng giả, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân và công tác phối hợp liên ngành giữa các lực lượng chức năng, không thể không đề cập tới cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực của những người thực thi công vụ.
Thực tế cho thấy, nếu không có sự tiếp sức từ những cán bộ “biết mà không xử, thấy mà không ngăn” - như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng đề cập thì hàng lậu khó mà đi được qua cửa khẩu, thực phẩm bẩn, hàng giả khó có thể ngang nhiên bày bán, hoặc len lỏi vào siêu thị, bệnh viện, thậm chí là công khai xuất hiện tại các sàn thương mại điện tử. Chừng nào chưa kiểm soát, xử lý dứt điểm hiện tượng này, mọi giải pháp chống tội phạm cũng chỉ như băng bó tạm thời trên một vết thương mưng mủ.

Công an tỉnh Thanh Hóa phá đường dây sản xuất và buôn bán thuốc giả. Ảnh: Cổng TTĐT Công an tỉnh Thanh Hóa
“Làm sạch sẽ” những cán bộ buông lỏng quản lý, tiêu cực, tham nhũng, bảo kê, bao che cho các vi phạm, sai phạm người dân mới có thể tin rằng cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, hàng giả không phải là phong trào nhất thời, “ra quân” trong một giai đoạn, mà là trận chiến bền vững vì sự an toàn của xã hội, vì quyền lợi người tiêu dùng, vì uy tín thương hiệu Việt và vì sự nghiêm minh của pháp luật. Tăng kiểm soát quyền lực, cũng là giải pháp căn cơ, nền tảng để bảo vệ cán bộ. Đề cập tới vấn đề này, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn, cần phải “nhốt” quyền lực trong “lồng” cơ chế.
Trích dẫn
Quan điểm của Bộ Y tế về xử lý hàng giả trong lĩnh vực y tế là phải đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cuộc chiến chống hàng giả, gian lận thương mại là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tất cả các cấp, ngành và toàn thể xã hội.
Việc phát hiện các vụ việc, xử lý các vi phạm mới là phía trên của tảng băng chìm. Vấn đề là phải xử lý từ gốc, từ cơ chế quản lý, giám sát, đặc biệt là phải làm rõ trách nhiệm, làm “làm sạch” từ bên trong đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ. Nếu không xử lý nghiêm, truy đến cùng trách nhiệm, thì sẽ còn xuất hiện những “con sâu” phá hoại niềm tin của cả xã hội.
Trước hết, có thể thấy rõ, việc thiếu cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân là một trong những lỗ hổng nghiêm trọng được mổ xẻ rất nhiều sau các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, hàng giả, đặc biệt là khi có những sai phạm từ phía cơ quan quản lý. Khi trách nhiệm không được quy định rõ ràng và xử lý kiên quyết, sẽ tạo ra tâm lý "nhờn luật" và làm xói mòn lòng tin của công chúng.
Vấn đề siết chặt trách nhiệm cá nhân và truy cứu đến cùng trong các vụ việc liên quan là một yêu cầu bức thiết. Đây được coi là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả phòng chống thực phẩm bẩn, hàng giả và củng cố niềm tin của Nhân dân. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc bắt giữ nguyên lãnh đạo Cục ATTP là minh chứng cho thấy cần phải xử lý sớm và quyết liệt hơn để lấy lại niềm tin; cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm khi để buôn lậu, gian lận thương mại, thực phẩm bẩn, hàng giả tung hoành. Trong khi, Giám đốc Sở ATTP TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan đề xuất xử lý mạnh tay và truy tố nghiêm khắc đối với các hành vi làm giả thuốc, thực phẩm, thậm chí áp dụng mức án cao nhất thay vì chỉ dừng ở phạt hành chính.
(Còn nữa)

Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm 'tiếp tay' cho nguyên liệu kém chất lượng như thế nào?
Kinhtedothi - Theo kết quả điều tra ban đầu, ông Nguyễn Thanh Phong cùng 4 cán bộ khác tại Cục An toàn thực phẩm đã thông đồng nhận tiền “lobby” từ Nguyễn Năng Mạnh nhằm bỏ qua các vi phạm, hợp thức hóa hồ sơ. Cụ thể, Cục Cục An toàn thực phẩm đã: Cấp 4 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Cấp 207 Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho 207 sản phẩm của 9 công ty do Nguyễn Năng Mạnh điều hành....

Khởi tố 18 bị can liên quan vụ án tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế
Căn cứ tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án "Đưa hối lộ và Nhận hối lộ", xảy ra tại Cục An toàn thực phẩm (ATTP) thuộc Bộ Y tế và các công ty có liên quan trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh, TP trên toàn quốc.

Hà Nội triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trường học
Kinhtedothi - Văn phòng UBND TP Hà Nội đã ban hành Thông báo số 427/TB-VP về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà tại cuộc họp triển khai công tác tổ chức bữa ăn bán trú tại các trường công lập trên địa bàn TP năm học 2025-2026.