Bài 3: Hạ rào công viên, khởi đầu cho đổi thay - Ảnh 1

 

Đã đến lúc chúng ta cần đặt câu hỏi, công viên cho ai? Tất nhiên, công viên phải được hiểu là cho mọi người dân? Nhưng lâu nay, nhiều người đang hiểu, công viên là của Nhà nước, thuộc Nhà nước quản lý. Thế nên mới có chuyện công viên được rào chắn kỹ càng. Từ tháng 12/2022, UBND TP đã cho thí điểm hạ một phần hàng rào của Công viên Thống Nhất mở ra không gian văn hóa mới, nhưng cũng còn nhiều bất cập cần phải nghiên cứu trước khi mở rộng mô hình công viên mở trên toàn TP.

Bài 3: Hạ rào công viên, khởi đầu cho đổi thay - Ảnh 2

Ngay sau khi những tấm rào hoa sắt phía đường Trần Nhân Tông của Công viên Thống Nhất được hạ xuống cũng là lúc người dân vui mừng cho dấu hiệu tư duy quản lý công viên chính thức thay đổi. Bà Đoàn Thị Mai Dung (60 tuổi - quận Hai Bà Trưng) phấn khởi chia sẻ: “Công viên khi không còn hàng rào sẽ thực sự là công viên, người dân tại đây ai cũng đều phấn khởi. Bỏ đi hàng rào đồng nghĩa với việc đưa công viên trở lại đúng với chức năng không gian công cộng của đô thị, tạo điều kiện để người dân nghỉ ngơi, thư giãn bất cứ lúc nào, từ mọi vị trí xung quanh công viên. Mong rằng không chỉ Công viên Thống Nhất mà còn có thể nhân rộng ra cả các công viên khác trên địa bàn TP”.

“Trước kia, mỗi lần người dân đi qua khu vực này, nhìn cảnh rào cao tường kín, để được vào công viên phải qua cổng mua vé khiến nhiều người rất ngại. Vì vậy, dù công viên to đẹp nhưng đìu hiu, vắng lặng. Việc bỏ đi phần hàng rào, tạo không gian mở sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận với công viên, chấm dứt sự lãng phí xót xa khi người dân Thủ đô đang rất thiếu những không gian công cộng - nơi có thể thư giãn, vui chơi giải trí” - anh Nguyễn Phú Khang (40 tuổi – quận Đống Đa) cho hay.

Công nhân hạ rào sắt và chỉnh trang từng cảnh quan của Công viên Thống Nhất ở phía đường Trần Nhân Tông.
Công nhân hạ rào sắt và chỉnh trang từng cảnh quan của Công viên Thống Nhất ở phía đường Trần Nhân Tông.

Một phần hàng rào Công viên Thống Nhất (Hà Nội) chính thức được gỡ bỏ để kết nối với không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông - hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng). Ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất, cho biết, sau khi triển khai dỡ đoạn hàng rào bao quanh công viên, đặc biệt là bỏ quy định thu vé vào cửa bước đầu đã nhận được những kết quả tích cực: “Lượng khách đến công viên thay đổi cả về chất và lượng. Nếu như trước đây người dân đến công viên chủ yếu để tập thể dục thì hiện nay du khách đến để vui chơi, chụp ảnh, giải trí cùng những cảnh quan xung quanh”. Sau khi hạ rào phía đường Trần Nhân Tông, Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất đã đầu tư cho cảnh quan, tạo dựng không gian mới cho công viên như: Chỉnh trang lại một số trò chơi, sửa chữa lại đoàn tàu, chỉnh trang lại một số khu vui chơi. Đặc biệt công viên được đầu tư nhiều không gian trồng thêm nhiều hoa. Nếu như trước đây hoa được trồng rải rác khắp công viên, thì ngay sau khi hạ rào Công ty đã có công văn gửi Sở Xây dựng đầu tư tạo 1 vườn hoa tạo điểm nhấn để mọi người đến check-in, đặc biệt là khu vực trồng 20 nghìn gốc hoa hồng trong công viên dọc phía đường Trần Nhân Tông.

Bài 3: Hạ rào công viên, khởi đầu cho đổi thay - Ảnh 3

Trước sự đổi thay của Công viên Thống Nhất, rất nhiều công viên khác của TP Hà Nội có mong muốn được bỏ thu phí qua cửa để đón chào người dân vào không gian cộng đồng đầy hữu ích này. “Trước đây tường rào của Công viên Bách Thảo được xây gạch kín. Sau đó năm 1995, hệ thống tường rào gạch đổi thành tường rào sắt hoa, cảnh quan được nâng cấp thông thoáng hơn, người dân đi trên đường vẫn có thể ngắm cây cối trong công viên rất sinh động” – anh Ngô Vinh – cán bộ quản lý tại Công viên Bách Thảo bày tỏ. Tuy nhiên, anh Ngô Vinh cũng thấy rằng việc phát huy giá trị của một công viên vốn là vườn ươm cây trồng đô thị cho Hà Nội, sở hữu nhiều loại cây quý hiếm có tuổi đời lâu năm còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc dừng thu vé hay hạ rào một phần Công viên Bách Thảo cũng là hợp với xu thế chung trong việc quản lý công viên trên thế giới. Song, đây là công viên chuyên đề, nằm trong khu vực đặc biệt nên cũng cần có sự nghiên cứu thấu đáo.

 

Về chủ trương của TP tiếp tục mở rào, tạo lập không gian mở cho các công viên, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du cho hay: “Cùng với Công viên Thống Nhất, Sở Xây dựng cũng đang đề xuất UBND TP dừng thực hiện bán vé vào Công viên Bách Thảo từ năm 2023. Với Công viên Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Sở Xây dựng đang đề nghị UBND quận Cầu Giấy trong quá trình cải tạo, chỉnh trang thực hiện phương án điều chỉnh hạ thấp hàng rào”.

Bài 3: Hạ rào công viên, khởi đầu cho đổi thay - Ảnh 4

Ngày nay, công viên đang dần trở thành những không gian sáng tạo cho người trẻ. Chỉ riêng tại Công viên Thống Nhất, đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, giải trí thu hút công chúng. Bên cạnh những CLB luyện tập thể dục, thể thao, tổ chức workshop, Công viên Thống Nhất còn thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hoá, tiêu biểu như Ngày sách Việt nam với không gian “đường sách” được tổ chức nền nếp, quy củ. Khác với một số nơi khác, hoạt động “đường sách” tại Công viên Thống Nhất. Với được tạo dựng trong không gian mở, hòa cùng thiên nhiên. Trong thời gian diễn ra “đường sách” trở thành địa chỉ văn hóa độc đáo, tạo thói quen đọc sách cho người dân, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Công viên Thống Nhất cũng là nơi từng tổ chức Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội nhằm tôn vinh và giới thiệu di sản văn hóa ẩm thực Hà Nội và một số ẩm thực tiêu biểu riêng của miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Thông qua lễ hội, Hà Nội mong muốn phát huy phong cách văn minh, thanh lịch của người dân Thủ đô trong bảo tồn các giá trị văn hóa ẩm thực.

Những vườn hoa được quy hoạch hợp lý trong công viên, tạo dựng nhiều điểm checkin cho du khách.
Những vườn hoa được quy hoạch hợp lý trong công viên, tạo dựng nhiều điểm checkin cho du khách.

Đặc biệt, vào dịp Tết Dương lịch 2023, việc đưa phố đi bộ Trần Nhân Tông đi vào hoạt động đã tạo không gian cảnh quan đẹp, liên kết chặt chẽ với Công viên Thống Nhất mang tới cho Nhân dân Thủ đô không gian sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đa dạng. Tại khu khu vực cổng chính Công viên Thống Nhất và tượng đài “Công an Nhân dân vì dân phục vụ” trở thành nơi tổ chức các sự kiện chính trị, biểu diễn nghệ thuật văn hóa, văn nghệ. Bên cạnh đó, các chương trình nghệ thuật truyền thống được đến với đông đảo người dân như: Chương trình biểu diễn Xiếc nghệ thuật của Đoàn Xiếc Hà Nội; Chương trình nghệ thuật Sử thi truyền thống trích đoạn Hai Bà Trưng của Nhà hát tuồng Việt Nam; Chương trình nghệ thuật Ca múa nhạc “Văn hóa - hội tụ -  bản sắc và phát triển”; chương trình hát chèo, hát xẩm, viết thư pháp.

Ngoài những chương trình văn hoá, nghệ thuật được tổ chức, công viên còn là nơi diễn ra các hoạt động tập thể, lan toả nếp sống văn minh. Trong đó có thể kể tới hoạt động 36 cặp đôi cưới tập thể tại Công viên Bách Thảo nhằm lan toả mô hình “Đám cưới tập thể theo nếp sống mới”. Đây là hoạt động tiêu biểu của tuổi trẻ Thủ đô nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về việc cưới theo nếp sống văn minh, đề cao lối sống tiết kiệm. Chương trình cũng góp phần xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu trong tiệc cưới, hỏi và hình thức tổ chức cưới linh đình, xa hoa, phô trương, lãng phí.

Giây phút thư giãn, cùng vui chơi thỏa thích của người dân và du khách tại các công viên Hà Nội.
Giây phút thư giãn, cùng vui chơi thỏa thích của người dân và du khách tại các công viên Hà Nội.

Công viên Hòa Bình nằm ở xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (Hà Nội) được xây dựng nhằm nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân thủ đô, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ hướng về một Thành phố vì Hòa Bình. Với khuôn viên rộng cùng cảnh quan thiên nhiên xanh mát, nơi đây trở thành địa điểm vui chơi, giải trí yêu thích của nhiều du khách cũng như người dân Thủ đô. Công viên có các khu vui chơi dành riêng cho trẻ em với nhiều hoạt động vô cùng hấp dẫn. Cứ vào dịp cuối tuần, các bậc phụ huynh lại đưa trẻ đến đây để tham gia nhiều trò chơi như: Chèo thuyền trên hồ, tô tượng, bay phi cơ… Đây là không gian lý tưởng để trẻ nhỏ thỏa thích vui chơi, tìm tòi và khám phá thêm nhiều điều thú vị.

Bài 3: Hạ rào công viên, khởi đầu cho đổi thay - Ảnh 5

Vẫn biết, hạ rào công viên là phù hợp với xu hướng của đô thị hiện đại. Song theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Đào Ngọc Nghiêm việc mở rào công viên là tốt, cần thiết thực hiện nhưng phải đánh giá đầy đủ, xây dựng lộ trình, kịch bản rõ ràng. Nếu vội vã mở mà không có sự đồng bộ thì khó có thể quản lý về mặt quy hoạch đô thị. Sự đồng bộ phải đảm bảo ở nhiều khía cạnh từ cơ chế quản lý, vận hành công viên, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân cho đến biện pháp về thiết kế, nếu không sẽ ảnh hưởng đến giao thông, trật tự an ninh, an sinh xã hội, đặc biệt là tệ nạn xã hội rất dễ phát sinh.

Trên thực tế, sau khi hạ rào Công viên Thống Nhất, một số vấn đề lo ngại cũng đã xảy ra, ví như nhiều phương tiện xe máy vượt rào cây đi vào công viên để tránh đường tắc. Công viên Thủ Lệ, Công viên Hòa Bình… chưa thể thực hiện việc hạ rào vì cảnh quan xung quanh còn nhiều bất cập, đường giao thông đang cao hơn mặt bằng công viên gần 1 mét, nhiều công trình lấn chiếm bao quanh các tường rào công viên vẫn chưa thể giải tỏa để tạo dựng cảnh quan kết nối…

Bài 3: Hạ rào công viên, khởi đầu cho đổi thay - Ảnh 6

Và hạ rào công viên chỉ là một trong các giải pháp trong việc quản lý và cải tạo công viên. Cải tạo hay xây mới công viên như thế nào là phù hợp với đô thị hiện đại, phù hợp với xu hướng chung của thế giới sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ, tầm nhìn dài hơi của các nhà quản lý đô thị. Trong khi đó, chiến lược đầu tư phát triển mới hệ thống công viên cho Hà Nội cũng đang gặp khó do chủ đầu tư các dự án tham lợi nhuận, xây dựng nhà lấn sang cả quỹ đất cho việc xây dựng công viên. Và câu chuyện “xẻ thịt” công viên cũng chưa được giải quyết triệt để.

Bài 3: Hạ rào công viên, khởi đầu cho đổi thay - Ảnh 7

06:08 08/08/2023