Bài 5: Sau kết luận của Thanh tra TP Hà Nội: Sóc Sơn rốt ráo xử lý vi phạm đất rừng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nửa năm sau khi Thanh tra TP Hà Nội công bố các thông báo kết luận về những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất rừng phòng hộ, đặc dụng tại huyện Sóc Sơn, địa phương này đã chỉ đạo các lực lượng chức năng quyết liệt xử lý nghiêm những công trình vi phạm trong giai đoạn 2017 - 2018.

Khuyến khích tự tháo dỡ
Gia đình ông Đinh Xuân Thái ở thôn Vệ Linh, xã Phù Linh là một trong 4 hộ dân có công trình xây dựng vi phạm đất rừng phòng hộ, đặc dụng được yêu cầu phải tháo dỡ. Trên mảnh đất thuộc khu Lả Măng, ông Thái đã xây dựng nhà tôn với tổng diện tích gần 335m2, cùng hàng rào bằng thép hộp vuông dài 80,5m.
Sau khi được chính quyền xã Phù Linh đến làm việc trực tiếp, tuyên truyền, vận động, ông Thái đã chấp thuận việc tự tháo dỡ công trình có sai phạm.
Vi phạm của hộ gia đình ông Đinh Xuân Thái là một trong tổng số 12 công trình được xác định có vi phạm đất rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn 6 xã thuộc huyện Sóc Sơn đang tiến hành tự khắc phục.
Một số công trình vi phạm đất rừng tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lam Thanh
Theo Đội phó Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Thanh Huyền, thực tế, trong quá trình triển khai xử lý các vi phạm đất rừng, lực lượng chức năng địa phương rất chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp hành. Đặc biệt là khuyến khích các hộ tự giác tháo dỡ những hạng mục công trình có vi phạm.
Bên cạnh 12 công trình được các chủ hộ tự giác tháo dỡ, trong nửa năm qua, lực lượng chức năng của huyện Sóc Sơn đã phối hợp, tổ chức cưỡng chế 24 công trình vi phạm tại 6 xã: Minh Phú, Quang Tiến, Tiên Dược, Phù Linh, Bắc Sơn, Hồng Kỳ. Đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đã có tổng số 36/68 công trình được xác định vi phạm đất rừng phòng hộ, đặc dụng trong giai đoạn 2017 - 2018 được xử lý.
Việc xử lý chưa hết khó khăn
Ghi nhận thực tế cho thấy, việc xử lý các vi phạm đất rừng phòng hộ, đặc dụng trong các năm 2017 - 2018 theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Đơn cử như tại xã Minh Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Tâm cho biết, trên địa bàn xã có 24 trường hợp vi phạm đất rừng phát sinh trong hai năm 2017 - 2018. Dù đến nay, đã có hơn 2/3 tổng số công trình vi phạm được xử lý dứt điểm, tuy nhiên, vẫn có đến 50% số vi phạm buộc phải cưỡng chế, do chủ hộ phản đối gay gắt.
Nhưng nan giải hơn là việc xử lý các công trình có vi phạm tại xã Minh Trí. Tại địa phương này, hàng chục hộ được xác định là có công trình vi phạm đất rừng vẫn đang... tiếp tục khiếu nại. Liên quan tới việc nhiều hộ dân tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí chưa đồng tình, gửi đơn khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền, Trưởng thôn Minh Tân Nguyễn Đình Cường cho biết, sở dĩ các hộ chưa đồng tình là bởi người dân trong thôn đã tới khai hoang, lập nghiệp tại vùng kinh tế mới Đồng Đò từ năm 1985, thời điểm trước khi rừng được hình thành. Nói cách khác là “người có trước, rừng có sau”.
Nguyện vọng của các hộ dân được xác định là có vi phạm còn đang khiếu nại tại thôn Minh Tân là cơ quan có thẩm quyền rà soát, trình UBND TP Hà Nội có phương án điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng từ những năm trước. Trên cơ sở đó, phân tách các hộ đến khai hoang tại vùng kinh tế mới hơn 34 năm trước ra khỏi khu vực được xác định là có vi phạm quy hoạch hiện nay.
Tháo dỡ công trình vi phạm xây dựng đất rừng tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lam Thanh
Liên quan tới công tác xử lý các vi phạm tại xã Minh Trí, UBND huyện Sóc Sơn đã phối hợp với Thanh tra TP tổ chức đối thoại với người dân. Đến nay, Thanh tra TP đã tiếp nhận 7 quyết định thụ lý đơn thư khiếu nại (lần 2) của các hộ dân.
Trên cơ sở xem xét đơn thư khiếu nại của các hộ gửi Tòa án Nhân dân TP, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 6313/VP-BTCD thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng về việc tạm dừng cưỡng chế và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân theo quy định. Đồng thời, làm rõ hồ sơ pháp lý liên quan đến Dự án Quy hoạch rừng Sóc Sơn theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 943/TTCP-BTCDTW ngày 11/6/2019.
Kiểm điểm trách nhiệm cán bộ
Cùng với tích cực triển khai xử lý nghiêm các công trình vi phạm đất rừng phòng hộ, đặc dụng, UBND huyện Sóc Sơn cũng đã chỉ đạo thành lập các tổ công tác, tiến hành kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, Huyện ủy Sóc Sơn đã xem xét kỷ luật về mặt chính quyền đối với 80 trường hợp. Trong đó, không kỷ luật vì chưa đến mức kỷ luật 19 trường hợp; không kỷ luật vì hết thời hiệu (ốm, chữa bệnh) 22 trường hợp; khiển trách 29 trường hợp; cảnh cáo 6 trường hợp; cách chức 2 trường hợp, và buộc thôi việc 2 cán bộ công chức, lao động hợp đồng.
Tập thể lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cũng đã tổ chức kiểm điểm đối với tập thể lãnh đạo UBND huyện các nhiệm kỳ (2006 - 2011, 2011 - 2016, 2016 - 2021), trong đó có các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện các nhiệm kỳ trên. Trên cơ sở báo cáo kiểm điểm của huyện, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn.
Cùng với kiểm điểm về mặt chính quyền, huyện Sóc Sơn cũng đã nghiêm túc thực hiện kiểm điểm về Đảng. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy 3 nhiệm kỳ (2005 - 2010, 2010 - 2015, 2015 - 2020) và đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trách nhiệm liên quan trong 3 nhiệm kỳ trên.
Trên cơ sở báo cáo của huyện Sóc Sơn, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có Thông báo số 2114/TB-TU về kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức Đảng, Đảng viên có liên quan đến sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn giai đoạn 2008 - 2018.
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kết luận: Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn qua 3 nhiệm kỳ (từ năm 2006 đến nay) cần nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cũng đã có các quyết định xử lý kỷ luật đối với 3 đồng chí thuộc diện Thành ủy quản lý. Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Nguyên Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút và nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Tạ Văn Đạo cùng bị kỷ luật theo hình thức cảnh cáo.
Đặc biệt, thực hiện thông báo của Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Sóc Sơn đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Đội Thanh tra trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với đồng chí Đào Văn Sửu; điều chuyển về làm Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch - di tích đền Sóc Sơn.
Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, quan điểm của địa phương là xử lý kiên quyết, dứt điểm, không bao che, nương nhẹ đối với các vi phạm theo Thông báo kết luận của Thanh tra và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng.
Cùng với xử lý dứt điểm các vi phạm trong hai năm 2017 - 2018, địa phương cũng sẽ từng bước xây dựng kế hoạch và phương án xử lý cụ thể đối với các vi phạm đất rừng từ những năm trước theo đúng quy định của pháp luật.

Thống kê từ năm 2008, trên địa bàn 9 xã của huyện Sóc Sơn có tổng số 283 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ, đặc dụng. Cùng với việc tập trung xử lý dứt điểm 68 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng trong đợt thứ nhất này, địa phương đang tổ chức phân loại, củng cố hồ sơ, xây dựng kế hoạch và phương án xử lý nghiêm đối với các trường hợp có vi phạm trong thời gian tới.


"Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất rừng, địa phương kiến nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các sở ngành rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch rừng năm 2008, từ đó cho lập điều chỉnh quy hoạch rừng năm 2008.

Sớm có hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp người dân đang sinh sống trên thửa đất có trong bản đồ đất ở năm 1993 có trùng lấn quy hoạch rừng. Đồng thời, sắp xếp lại các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo tính tập trung, thống nhất, hiệu quả. " - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh