Bài học biết ơn

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ than phiền về sự vô tâm thụ hưởng một cách rất ích kỷ của con cái, bởi không ít bạn trẻ “quên” nói từ “cảm ơn”.

Khi được hỏi về cách thể hiện lòng biết ơn cha mẹ và những người xung quanh, hầu hết câu trả lời của trẻ cũng chỉ tập trung vào các khía cạnh: Chỉ cần nói cảm ơn, ngoan ngoãn, vâng lời, hay học giỏi. Số biết làm các công việc vừa sức để giúp đỡ hay tặng bố mẹ những món quà do mình tự thực hiện chỉ chiếm phần nhỏ. Điều đáng nói, nhiều trẻ cũng mong muốn được bày tỏ lòng biết ơn của mình với bố mẹ và những người xung quanh, nhưng phần lớn lại thiếu sự hướng dẫn và cơ hội thực hành cũng như sự tự giác thực hiện những hành động phù hợp để bày tỏ lòng biết ơn.
 Ảnh minh họa
Đồng thời, chính cách giáo dục con cái trong gia đình hiện nay làm cho trẻ chỉ biết hưởng thụ, trẻ chỉ yêu cầu "quyền" của bản thân mà không biết "bổn phận" của mình. Nhiều đứa trẻ ở nhà không đụng tay vào việc gì, phó mặc hết cho ông bà, bố mẹ, ra đường thấy người cần giúp đỡ cũng mặc. Trong khi đó, việc rèn nhân cách cho trẻ của nhà trường thông qua sách giáo khoa, chương trình giáo dục chưa mang lại nhiều kết quả.
Dạy trẻ lòng biết ơn không phải qua những bài lý thuyết sáo rỗng, nên bắt đầu từ những sự việc cụ thể, gần gũi với trẻ. Điều quan trọng, là người lớn phải tạo cơ hội cho các em thực hiện bằng những hành động cụ thể và hàm chứa lòng biết ơn thực sự xuất phát từ tâm. Không nên chỉ dạy trẻ thể hiện lòng biết ơn ở hình thức mà phải giúp trẻ hiểu lý do gì mà mình phải biết ơn. Cũng không phải dạy trẻ lòng biết ơn bằng cách cứ nhắc đi nhắc lại con đã nhận quá nhiều từ người khác nên con phải thế này, phải thế kia sẽ làm cho trẻ mặc cảm mình là người có lỗi. Cần làm cho trẻ hiểu rằng, không có gì trong cuộc sống tự dưng có và cần cố gắng nhiều để tạo ra của cải, vật chất, tinh thần và giúp trẻ hình thành thái độ biết ơn. Cụ thể hơn là hướng dẫn, khuyến khích trẻ tự tay làm những tấm thiệp, món quà nhỏ để tặng người thân, thầy cô, bạn bè vào các dịp lễ, sinh nhật… Hay dạy trẻ hãy nói câu cảm ơn mẹ, cảm ơn bà đã nấu một bữa ăn ngon cho cả gia đình. Điều này nếu làm thường xuyên sẽ tạo thành một nếp sống đẹp cho trẻ.
Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng, người lớn cũng nên thể hiện lòng biết ơn đối với trẻ khi con mang lại niềm vui hay giúp đỡ việc vặt.
“Hãy nói lời cảm ơn con bạn", đó là điều được các chuyên gia gợi ý. Dù nhiều người lớn cho rằng, “tại sao phải cảm ơn con cái khi chúng làm việc đáng phải làm, như dọn dẹp phòng của chúng?”. Nhưng chính khi nghe được lời cảm ơn, trẻ em sẽ tiếp thu và sau đó làm mọi việc một cách tự giác. Bởi mặc dù có những lúc trẻ chưa ý thức về việc tốt đã làm, nhưng lại học được rất nhiều điều từ bố mẹ. Vì thế nếu bạn thể hiện lòng biết ơn, trẻ sẽ nhanh chóng tiếp thu, học hỏi điều này. Từ những bài học nhỏ ấy trong gia đình, trẻ sẽ lớn dần lên cùng với các mối quan hệ ngoài xã hội và bài học biết ơn không thể mất đi.