Bài học cảnh tỉnh

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ vi phạm có lẽ là chủ đề không bao giờ giảm tính thời sự. Những ngày này, dư luận tiếp tục “nóng” lên cùng với việc Ủy ban Kiểm tra T.Ư vừa đưa ra kết luận về các vi phạm, khuyết điểm của một số tập thể, cá nhân cán bộ và nguyên cán bộ, trong những vụ việc được cho là “rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm”.

 Kỳ họp 27 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Đồng thời, việc đề xuất các mức kỷ luật nghiêm khắc nhất với những cá nhân liên quan nhận được sự đồng tình từ dư luận.
Nhiều ý kiến nhận định, đây tiếp tục là việc làm kịp thời và minh bạch của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước trong việc cương quyết xử lý nghiêm cán bộ các cấp có vi phạm, khuyết điểm, dù ở cấp nào, kể cả cấp cao đương chức và về hưu. Vụ việc lại được công bố ngay sau hội nghị toàn quốc về công tác tham nhũng, một lần nữa càng khẳng định quan điểm chỉ đạo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong xử lý vi phạm. Đồng thời, thể hiện rõ tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Không ai có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư tiếp tục mở ra những tín hiệu rất tích cực cho niềm tin vào việc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang vào giai đoạn quyết liệt hiện nay.

Nhiều ý kiến đồng tình, việc xử lý kỷ luật, loại bỏ người tham nhũng, chống mọi biểu hiện tiêu cực sẽ không hề làm chậm lại sự phát triển, ngược lại sẽ giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự cho bộ máy, đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân, tạo ra động lực mới, khí thế mới. Không chỉ những vụ việc được kết luận lần này, mà trong những năm qua, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ này đến nay, từ quyết tâm của người đứng đầu, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng đã liên tục tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận nghi ngờ có tham nhũng. Qua kiểm tra, kết luận các sai phạm, đã tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm minh các tổ chức cá nhân để xảy ra sai phạm và cả những cá nhân, tổ chức liên quan, hay nói khác đi là xử lý tận cùng vụ việc. Trong đó có không ít cán bộ cấp cao bị khai trừ, cách các chức vụ trong Đảng, bị xử lý về mặt hình sự…

Đúng như quan điểm đã được nhấn mạnh, mục đích kỷ luật là để "trị bệnh cứu người", cảnh tỉnh, răn đe, thể hiện phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc. Có thể thấy rằng, qua những vụ việc vừa qua, cùng với mở ra những tín hiệu tích cực trong công cuộc đấu tranh với tiêu cực từ trên xuống dưới, đồng thời mỗi lần cán bộ vi phạm cũng phải rút ra được bài học để tránh tái diễn. Trước hết, để xảy ra những vi phạm đáng tiếc như ở các tập thể, cá nhân trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho thấy một thực trạng đang tồn tại lỗ hổng trong công tác kiểm soát quyền lực, buông lỏng trong việc kiểm tra, giám sát, giáo dục cán bộ. Đây cũng là bài học nghiêm túc với các cấp ủy, tổ chức Đảng trong tiến hành mạnh mẽ hơn việc kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, giải quyết sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm. Đặc biệt, với những hình thức kỷ luật nghiêm minh được đề xuất, việc xử lý sẽ được làm cương quyết và mạnh mẽ, thực sự tạo nên một “bài học cảnh tỉnh” cho tính gương mẫu và trung thực và tự tu dưỡng bản thân của mỗi cán bộ đảng viên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần