Bài học đắt giá về công tác quản lý đất đai

Chia sẻ Zalo

KTĐT - LTS: Ngày 10/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có kết luận về vụ cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng).

>>> "Tiên Lãng đã sai phạm trong giao đất, thu hồi đất"

>>> Hội Nông dân đồng tình với kết luận của Thủ tướng

>>> Vụ Tiên Lãng: Phán quyết “có hậu” và bài học lớn

>>> Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh nói về kết luận của Thủ tướng

>>> Giám sát chặt chẽ việc thực hiện kết luận của Thủ tướng

>>> Hải Phòng thực thi kết luận Thủ tướng vụ thu đất

>>> Các chuyên gia đồng thuận kết luận của Thủ tướng

Theo kết luận của Thủ tướng,  các quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3 ha đầm tôm của UBND huyện Tiên Lãng đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn đều trái luật. Thủ tướng yêu cầu TP Hải Phòng chỉ đạo thu hồi các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng về việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình ông Vươn. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã bày tỏ sự đồng tình, hoan nghênh kết luận của Thủ tướng, đồng thời rút ra những bài học qua vụ việc này. Báo Kinh tế & Đô thị xin giới thiệu ý kiến của GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT.

Đồng tình với kết luận chỉ đạo giải quyết vụ việc xảy ra ở xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, vụ cưỡng chế, thu hồi đất nuôi trồng thủy sản tại huyện Tiên Lãng không chỉ là câu chuyện của riêng Hải Phòng mà còn là bài học đắt giá cho các địa phương trong công tác quản lý đất đai.

Kết luận thỏa đáng, hợp lòng dân

Theo GS Đặng Hùng Võ, vụ cưỡng chế, thu hồi đất tại Tiên Lãng có ba vấn đề lớn liên quan đến Luật Đất đai. Thứ nhất, đó là vấn đề thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, gắn với sự đầu tư của người nông dân sử dụng đất. Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp hiện nay có nhiều vấn đề chưa thỏa đáng, trong khi nhiều địa phương còn cắt bớt thời hạn sử dụng đất của nông dân. Điểm thứ hai là cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Đây cũng là việc nhạy cảm, nếu "sai một ly sẽ đi một dặm", dẫn đến hậu quả khôn lường. Thứ ba, chuyện giải quyết khiếu nại của dân, của tòa án ở Tiên Lãng còn nhiều cái sai. Người dân đã qua khiếu nại hành chính, chuyển khiếu nại lên đến tòa án cấp thành phố, vẫn để xảy ra sai cả về mặt tố tụng lẫn xét xử.

Ngày 11/2, UBND TP Hải Phòng công bố quyết định về việc đình chỉ công tác của ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện và ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với vụ việc trên.

Theo đánh giá của GS Đặng Hùng Võ, kết luận của Thủ tướng hoàn toàn thỏa đáng, chính xác, có tính nhân văn sâu sắc, đúng về mặt pháp lý và đạo lý. Kết luận dựa trên cơ sở pháp lý chặt chẽ, đánh giá đúng đắn và nêu rõ những sai phạm, khuyết điểm của chính quyền huyện Tiên Lãng. Các kết luận thể hiện sự khách quan và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.

 

GS Đặng Hùng Võ cũng bày tỏ sự tâm đắc với kết luận của Thủ tướng khi yêu cầu Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất xây dựng thể chế để kiểm soát việc ban hành các quyết định hành chính của chính quyền các cấp. "Đây là một kết luận sắc sảo trong hệ thống hành chính, giám sát chặt chẽ việc ban hành quyết định ở địa phương. Bộ Tư pháp phải đưa ra cơ chế giám sát ban hành quyết định hành chính ở các địa phương, tránh diễn ra tình trạng lạm quyền, bởi việc thực thi pháp luật ở nhiều địa phương vẫn còn chưa phù hợp" -GS Đặng Hùng Võ nhận xét.

Chấn chỉnh công tác quản lý đất đai

Theo GS Đặng Hùng Võ, qua vụ việc ở Tiên Lãng, chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng chính quyền thực sự của nhân dân. Bài học lớn nhất từ Tiên Lãng không chỉ đơn thuần là vấn đề năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ mà chính là phương thức chỉ đạo, điều hành, quản lý, giám sát của bộ máy chính quyền và các tổ chức đoàn thể nhân dân trong những công việc cụ thể của đất nước. Vụ việc ở Tiên Lãng không chỉ là câu chuyện của riêng Hải Phòng mà còn là bài học lớn cho các địa phương khác trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Từ đó, các địa phương cần phải chủ động rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời đề cao trách nhiệm, tập trung giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai. "Việc thực thi pháp luật, nhận thức về pháp luật của cán bộ chính quyền ở nhiều nơi không đúng, dẫn đến việc làm sai, mà ở đây là việc cưỡng chế, thu hồi đất sai. Các cấp chính quyền phải bảo đảm quyền lợi của dân, không ra những quyết định sai pháp luật. Cùng với đó là sự quan tâm, giám sát đến các hoạt động của bộ máy chính quyền cấp dưới và sự quan tâm đến đời sống của nhân dân. Được như vậy, mối quan hệ giữa chính quyền cơ sở với dân tại nhiều địa phương sẽ được cải thiện, người dân sẽ có lòng tin và ý thức thực hiện việc sở hữu đất đai đúng theo pháp luật quy định. Chính quyền cũng phải ý thức được việc tạo được sự đồng thuận trong dân", GS Đặng Hùng Võ nhận xét.

Sự kiện ở Tiên Lãng lắng lại với một cái kết “có hậu”. Tuy nhiên, đây cũng là lời cảnh tỉnh sâu sắc về "cái tâm, cái tầm" của cán bộ chính quyền các cấp và là bài học kinh nghiệm lớn trong công tác quản lý đất đai trên cả nước.

Theo Luật Đất đai 1993, thời hạn giao đất nông nghiệp là 20 năm và đến năm 2013, hàng triệu nông dân hết hạn sử dụng đất. Tới đây, Bộ TN&MT tham mưu cho Chính phủ sớm có văn bản thông báo đến các địa phương, trong khi chưa ban hành Luật Đất đai mới, người dân hết hạn sử dụng đất, sẽ "tự động" được gia hạn.

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển Thứ trưởng Bộ TN&MT

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần