Bài học kinh nghiệm của chính quyền từ việc ban hành sai một quyết định hành chính

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chúng ta cần phải rất rõ ràng, chống dịch Covid-19 sẽ là một cuộc đua marathon chứ không phải chạy nước rút. Nên phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng các quyết định trong cuộc chiến giằng co giữa bảo vệ sức khỏe người dân, phát triển kinh tế và sự chấp nhận xã hội.

Ngày 6/2 hàng ngàn người về Hải Phòng đón Tết dáo dác trước cửa ngõ ra, vào thành phố khi lực lượng công an, quân sự bố trí tại các chốt yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Người dân được yêu cầu phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn tại nơi đi, đến, trong đó nêu rõ lý do, lịch trình ra, vào và phải đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch theo quy định. Một quyết định thoạt nhìn, được coi là thể hiện sự cương quyết của Hải Phòng trong công cuộc chống dịch Covid-19. Thực tế Hải Phòng đang khá cương quyết trong điều hành chống dịch bấy lâu nay.

Hải Phòng lập 8 chốt kiểm soát ra vào thành phố. Ảnh moitruong.net

Gây sốc cho dân
Vẫn biết đây là thời điểm cả nước đang gồng mình chống dịch nhưng đứng trước barie của 8 chốt gác, người thì quay đầu xe trong tức tối, người thì vò đầu bức tai vì không biết giải quyết như thế nào trước quyết định này. Mấy ông lái xe container và xe vận tải tuyến cố định dừng cả hàng dài vì chả biết phải đến UBND cấp xã, phường, thị trấn nào để xin cho được cái giấy phép con này, năn nỉ thế nào thì các chốt cũng lắc đầu, lệnh của thành phố là họ phải thực thi. Tại đây, bên thực thi nhiệm vụ lâm vào tình cảnh “giám thị không được giải thích gì thêm” và thực tế nhiều tình huống có ngồi nát óc thì họ cũng không thể hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định bất ngờ này.
Hóa ra mọi việc bắt đầu từ việc Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã làm việc với các địa phương giáp ranh tỉnh Hải Dương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào chiều 5/2. Tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu, kể từ 12 giờ ngày 6/2, thành phố sẽ kiểm soát tất cả các công dân ra và vào thành phố.
Các công dân về địa bàn sau 12 giờ ngày 6/2 mà không có giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi đi và các công dân đến từ tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, các vùng có dịch tại các tỉnh, thành phố khác ở trên địa bàn sẽ phải cách ly tại các khu tập trung của Hải Phòng.
Tính pháp lý và khả năng thực thi
Ngay sau khi Thông báo 58/TB-UBND của Hải Phòng ban hành chiều tối ngày 5/2/2021 nhiều người am hiểu về pháp lý đã giật mình. Trước hết là nó trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi lưu ý các tỉnh áp dụng biện pháp cách ly tập trung, cách ly tại nhà đối với với người đến từ vùng có dịch Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Y tế kiểm tra, chỉ đạo, xác định cụ thể vùng có dịch theo nguyên tắc “khoanh gọn nhất có thể” phục vụ mục tiêu kép để các địa phương áp dụng biện pháp phù hợp cho nhân dân đón Tết Nguyên đán, không gây cản trở không cần thiết.
Các chốt gác tại Hải Phòng làm việc 24/24. Ảnh: TN

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các địa phương quyết liệt phòng chống dịch bệnh không chỉ là để người dân được đón Tết an lành, mà còn là biện pháp thiết thực giúp cho bà con nông dân, những người buôn bán nhỏ có cơ hội sản xuất kinh doanh, đảm bảo cuộc sống. Nên không được ngăn sông, cấm chợ nếu như tình hình dịch bệnh đang nằm trong ngưỡng kiểm soát, khống chế được. Chống dịch phải làm kiên trì, bản lĩnh; khi cần thiết thì phải tiến hành cách ly, phong tỏa, nhưng phong tỏa phải ở diện nhỏ nhất có thể vì còn liên quan đến đời sống của người dân.
"Nếu cứ khoanh vùng, cách ly rộng nhất, dài nhất là những quyết định dễ dàng cho người quản lý nhưng rất khổ cho người dân. Thay vì phong tỏa cả huyện thì chúng ta phong tỏa một vài xã, thay vì phong tỏa cả xã thì phong tỏa một vài thôn. Đây là bản lĩnh của người quản lý", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Nói về tính pháp lý, quy định “giấy phép con” của Hải Phòng “đẩy UBND cấp xã, phường, thị trấn tại nơi đi, đến” vào một việc rất khó, làm thế nào để kiểm tra đúng “lý do, lịch trình ra, vào và phải đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch theo quy định” của người dân để cấp giấy xác nhận. Lý do như thế nào là chính đáng? Thế nào thì bị từ chối? Nếu như lịch trình ra, vào Hải Phòng không đúng như giấy phép thì làm thế nào để chế tài? Rồi những người con của Hải Phòng đến sinh sống và làm việc tại các địa phương khác chưa kịp đăng ký thường trú thì đơn vị nào sẽ cấp giấy? Các công dân Hải Phòng đi công tác ngắn ngày nơi khác thì các UBND cấp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xác nhận giấy phép không?
Nếu tỉnh thành nào cũng như Hải Phòng áp dụng quy định này thì cả nước sẽ lập tức “đóng băng” sự sự lưu thông xã hội và không cần nói, người ta cũng biết hậu quả sẽ như thế nào? Nhiều tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định, TP Buôn Mê Thuột.. đã yêu cầu người trở về từ các vùng dịch phải cách ly tập trung 14 - 21 ngày hoặc cách ly tại nhà nhưng sau đó phải điều chỉnh, hủy bỏ. Sự lạm quyền, làm khổ người dân như thế là điều không nên xảy ra trong bối cảnh hiện nay.
Đoàn kiểm tra kiểm tra khu cách ly tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Ảnh: Tuấn Dũng
Không chủ quan, không hốt hoảng
Câu chuyện Hải Phòng rốt cuộc đã có hồi kết khi chỉ hơn 24 giờ sau, Thành phố đã có thông báo điều chỉnh, cho phép người dân ra vào thành phố không cần xuất trình giấy xác nhận của UBND cấp phường, xã nhưng nó đã bộc lộ năng lực và khả năng chống dịch của địa phương. Dường như Hải Phòng đã lạm quyền và đẩy khó khăn về phía người dân khi có nhu cầu đi lại vào một thời điểm khá nhạy cảm với người dân Việt Nam, đó là cận kề Tết cổ truyền.
Chúng ta không lơ là, chủ quan nhưng cũng không nên hốt hoảng, ban hành các mệnh lệnh thiếu tính khả thi, gây sốc. Bài học Hải Phòng thiết nghĩ sẽ giúp cho nhiều địa phương tuân thủ sự chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần