Bài học từ câu chuyện thành công "hụt" của Singapore trong chống lại Covid-19

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từng được ca ngợi như ngọn hải đăng trong cuộc chiến chống lại Covid-19, Singapore lại bất ngờ trở thành quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất khu vực Đông Nam Á trong tuần này.

Cuộc chiến chống Covid-19 gian nan tại một quốc gia có tính kỷ luật cao, có sở vật tư y tế và nhận thức sóm tình hình bệnh dịch ở Singapore cho thấy, chưa có một quy chuẩn toàn cầu nào để diệt trừ đại dịch này. Thu nhập bình quân đầu người của Singapore thuộc hàng cao nhất trên toàn cầu và hệ thống y tế nằm trong top 10 toàn cầu, theo phân tích của Bloomberg năm 2019.

 Nguy cơ 43 khu kí túc xá lao động trở thành những ổ dịch tiềm tàng đã bị chính quyền Singapore lơ là.

Tính tới ngày 21/4, Singapore ghi nhận 9.125 trường hợp nhiễm Covid-19, tăng gấp 10 lần chỉ trong 3 tuần, dù chỉ có 11 trường hợp tử vong. Đó vẫn là điểm sáng so với 616 ca tử vong của Indonesia, 437 của Philippines và 48 của Thái Lan. Với những kinh nghiệm đối phó dịch SARS hồi năm 2003, chính phủ Singapore đã sớm cảnh báo công dân  về những rủi ro từ Covid-19. Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên hạn chế công dân từ Trung Quốc nhập cảnh. Trong vài tháng đầu, Singapore cũng yêu cầu người dân chỉ đeo khẩu trang khi có dấu hiệu không khỏe nhưng đã ngay lập tức khuyến khích việc này khi số ca nhiễm tăng lên. Thậm chí sau đó đưa ra hình phạt cho những người không chấp hành việc đeo khẩu trang.

Tuy nhiên điểm yếu của Singapore đó là lỗ hổng trong kiểm soát dịch tại hàng chục khu nhà ở dành cho lao động nước ngoài, một mặt trận mới trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Người lao động nhập cư hiện chiếm đến 60% tổng số ca mắc tại Singapore. Điều kiện sống tại các khu kí túc xá cho dân lao động nhập cư tồi tàn đến mức một khi có dấu chân của Covid-19 thì việc lây lan là không thể tránh khỏi. Nơi đây có hàng chục ngàn người thường sống chen chúc đến 20 người/phòng trong điều kiện vệ sinh kém. Theo các nhóm hoạt động, các biện pháp chống dịch trước đó của Singapore dường như bỏ sót nhóm người dễ bị tổn thương này, đơn cử như việc phát khẩu trang cho người dân cũng không dành cho những người lao động nhập cư. Jeremy Lim, một lãnh đạo của tổ chức từ thiện HealthServe gọi đây là "điểm mù" trong chính sách khiến Singapore phải trả giá. Tổ chức này cho biết phải đóng cửa các cơ sở khám chữa bệnh giá rẻ cho lao động nhập cư khi Chính phủ Singapore hồi đầu tháng 2/2020 quy định các nhân viên y tế phải làm việc tại một bệnh viện cố định để hạn chế lây nhiễm. Cho đến nay, Singapore đã nhanh chóng vào cuộc khi cho phép xét nghiệm diện rộng trên cộng đồng lao động nhập cư, phong tỏa các khu kí túc xá. Các bộ trưởng cam kết chăm sóc sức khỏe cho số này và chính phủ cho biết những người lao động nhập cư được yêu cầu ngừng đi làm và tự cách ly.

Về phần mình, Singapore chưa bao giờ tuyên bố là “lá cờ đầu” trong cuộc chiến chống Covid-19, dù Thủ tướng Lý Hiển Long từng lưu ý Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ca ngợi cách họ chống dịch trong một bài phát biểu ngày 12/3. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào cuối tháng 3, khi được mời giải thích về thành công trong kiểm soát dịch Covid-19, vị thủ tướng này từ chối chia sẻ và dự kiến về một cuộc đấu tranh lâu dài. “Đây là thời điểm khó khăn của tất cả mọi người. Chúng tôi đã có tiến triển, nhưng chúng tôi chưa thành công”, ông Lý nói.

Có lẽ bài học tốt nhất từ ​​Singapore là không có một kịch bản mẫu nào để chống lại đại dịch Covid-19 –“kẻ thù coi thường mọi biên giới”.  Ngay cả các quốc gia từng chống dịch hiệu quả và thận trọng trước rủi ro cũng không ngoại lệ. Cách ứng phó hiệu quả với đại dịch trong tương lai có thể cần kết hợp những biện pháp tối ưu của nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần