Bài học từ kênh đào Suez

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều ngày giải cứu tàu Ever Given bị mắc cạn, kênh đào Suez đã thông thương trở lại nhưng để các phương tiện lưu thông bình thường như trước thì vẫn cần thêm nhiều ngày để giải tỏa gần 400 tàu thuyền bị dồn ứ những ngày qua ở hai phía đầu của kênh đào. Vụ việc này buộc tất cả các nền kinh tế và chính quyền mọi nơi trên thế giới phải suy ngẫm và tự rút ra những bài học cần thiết cho hiện tại và tương lai.

 Ảnh: AP.
Kênh đào Suez là một trong những tuyến giao thông trên biển được coi là huyết mạch của thế giới. Thế giới toàn cầu hóa càng nhiều thì những tuyến huyết mạch như thế càng thêm quan trọng. Giống như dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, vụ việc tàu Ever Given bị mắc cạn ở kênh đào Suez cho thấy thế giới toàn cầu hóa dễ bị tổn thương và bị tấn công như thế nào, dễ bị kiềm chế và bộc lộ những mặt trái của nó như thế nào. Trước tiên, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa rất bất ngờ và nhanh chóng, rất dễ dàng và nghiêm trọng bất chấp nhân loại đã đạt được rất nhiều thành tựu kỳ diệu trong phát triển về kỹ thuật và công nghệ. Con người trên trái đất không thể loại trừ khả năng dịch bệnh mới bùng phát hay chuyện tương tự như tàu Ever Given ở kênh đào Suez rồi sẽ xảy ra ở chính nơi này hại tại huyết mạnh nào đó khác của thế giới. Bài học từ đây chỉ có thể là phải ngăn chặn những chuyện như thế xảy ra và phải luôn sẵn sàng ứng phó với chúng nếu xảy ra. Cả nền kinh tế quốc gia lẫn chuỗi cung ứng toàn cầu đều cần phải được cấu trúc lại cho thích hợp và để luôn có được sức đề kháng cao nhất đối với mọi biến cố.

Bài học từ vụ việc tàu Ever Given bị mắc cạn ở kênh đào Suez là phải luôn bảo đảm an toàn lưu thông và an ninh ở tất cả những huyết mạch của thế giới. An ninh khu vực và tự do hàng hải trên biển cũng tương tự như vậy. Các quốc gia và đối tác cần phải hợp tác với nhau để định hướng chính trị thế giới và vận hành quan hệ quốc tế để có được và duy trì những bảo đảm ấy.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần