Bài học về tổ chức coi thi

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã kết thúc. Dù gặp nhiều bất lợi về tình hình dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đợt 1 của kỳ thi đã được tổ chức cơ bản thành công.

 Thí sinh làm thủ tục thi tại điểm trường THPT Kim Liên. Ảnh: Quang Tấn
Theo đánh giá của thí sinh, giáo viên, đề thi các môn không đánh đố thí sinh, phù hợp với chương trình Bộ GD&ĐT đã tinh giản, có độ phân hóa hợp lý, đáp ứng được mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã diễn ra nghiêm túc, đảm bảo được cả hai mục tiêu an toàn sức khỏe cho thí sinh, cán bộ làm thi, phụ huynh học sinh và an toàn quy chế thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ trọn vẹn hơn nếu không có sai phạm lỗi cơ bản của 18 cán bộ coi thi làm ảnh hưởng đến thời gian làm bài của thí sinh. Cụ thể, buổi thi môn Ngữ văn sáng 9/8, tại một phòng thi ở Bắc Ninh, cán bộ coi thi ký nhầm vào ô “Cán bộ chấm thi”, sau đó yêu cầu thí sinh chép lại bài thi. Buổi thi môn Địa lý sáng 10/8, ở Hội đồng thi Điện Biên, cán bộ coi thi ở 7 phòng đã phát đề chậm 5 phút nhưng không bù giờ cho thí sinh. Ở Hội đồng thi Bình Phước, có 1 thí sinh phải thi lại môn Địa lý vì cán bộ coi thi chủ quan không xem lại danh sách. Nhiều người đặt ra vấn đề việc tập huấn chưa kỹ lưỡng mới dẫn đến trên 190 thí sinh phải thi lại.
Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, Bộ GD&ĐT đã quyết định cho thí sinh thi lại những môn gặp sự cố vào sáng ngày 11/8 bằng đề thi dự bị. Về phía 18 cán bộ vi phạm quy chế, Hội đồng thi địa phương sẽ xem xét, tùy theo mức độ để xử lý vi phạm theo Quy chế thi. Nhưng vấn đề đặt ra là việc tổ chức thi lại cho trên 190 thí sinh, không chỉ đơn giản là gọi các em đến làm bài thi có sự giám sát của các giám thị. Việc tổ chức thi lại vẫn phải có Hội đồng thi với sự tham gia đầy đủ của các thành phần, lực lượng ở địa phương như tổ chức Kỳ thi chính thức.
Bên cạnh đó, việc thi lại cũng tác động đến tâm lý của thí sinh, ảnh hưởng đến việc làm bài, nhất là môn Ngữ văn thi rất cần sự tư duy, sáng tạo. Việc tổ chức cho hơn 190 thí sinh thi lại đồng nghĩa với Bộ GD&ĐT phải sử dụng một bộ đề thi dự phòng của môn Ngữ văn và Địa lý. Đáng lẽ, nếu không phải tổ chức thi lại, bộ đề thi dự phòng sẽ được sử dụng cho đợt II Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tới đây cho trên 26.300 thí sinh. Như vậy, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ phải lập Hội đồng ra đề thi, mời các thành viên đến để xây dựng 2 bộ đề thi (1 chính thức và 1 dự bị) cho đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Từ kinh nghiệm tổ chức coi thi của Hà Nội và các địa phương, một bài học rút ra cho lần thi đợt 2, đó chính là việc tập huấn coi thi phải được thực hiện kỹ càng, đưa ra những tình huống hay gặp và có cách xử lý để cán bộ coi thi biết. Hơn nữa, cán bộ coi thi khi đi tập huấn cũng phải biết lắng nghe, cầu thị, cẩn trọng để không ảnh hưởng đến kỳ thi quan trọng với sự nỗ lực từ nhiều phía. Ngoài ra, khâu chọn giám thị một lần nữa cũng cần được nhìn nhận nghiêm túc hơn, lựa chọn những người xứng đáng, làm việc nghiêm túc, hết mình, công tâm...