Bài học xây dựng Nhà nước pháp quyền và trọng dụng người tài

Chia sẻ Zalo

Nhân dịp kỷ niệm 66 năm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã có cuộc trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền và sử dụng người tài.

Bài học về xây dựng Nhà nước pháp quyền

 

-  Lênin đã nói: "Giữ chính quyền khó hơn là giành chính quyền", đất nước ta sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng ở trong hoàn cảnh đó. Thưa Phó Giáo sư, Đảng và Bác Hồ đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam như thế nào trong thời điểm ấy?

 

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đây là bước ngoặt vĩ đại của dân tộc ta. Nhân dân ta, từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Tuy nhiên, đất nước ta sau cách mạng đứng trước muôn vàn khó khăn. Kinh tế kiệt quệ, tài chính gần như số không, thiên tai địch họa liên tiếp xảy ra. Ngoại giao thì các nước chưa công nhận Việt Nam. Trong khi đó, "giặc đói" "giặc dốt" vẫn hoành hành, bọn phản động trong nước cấu kết với các thế lực bên ngoài nhằm thực hiện chính sách "Diệt cộng, cầm Hồ" (Diệt cộng sản, cầm tù Hồ Chí Minh). Không những thế, với danh nghĩa quân đồng minh giải giáp quân đội Nhật, hơn 30 vạn quân Anh và Tưởng đã có mặt tại Việt Nam. Phía sau quân Tưởng là Mỹ, trong khi đó theo chân quân Anh là Pháp với dã tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa.

 

Trong tình hình đó, Đảng và Chính phủ đã triển khai nhiều nhiệm vụ cấp bách để cải thiện đời sống nhân dân và bảo vệ chính quyền cách mạng như: giải quyết nạn đói, nạn mù chữ; tổ chức Tổng tuyển cử; bỏ những thứ thuế vô đạo đức; cấm hút thuốc phiện… Phong trào diệt giặc đói được phát động trên cả nước, với khẩu hiệu: Hũ gạo tiết kiệm, Ngày đồng tâm, tăng gia sản xuất... Để giải quyết khó khăn về tài chính, Chính phủ phát động "Tuần lễ vàng" từ ngày 17 đến 24/9/1945, nhân dân đã đóng góp cho Chính phủ 375kg vàng, 60 triệu đồng... Phong trào xóa mù chữ cũng diễn ra rộng khắp đất nước, chỉ trong một thời gian ngắn đã xóa mù chữ cho 2,5 triệu người.

 

Đối với kẻ thù, thực hiện đúng lời thề trong Tuyên ngôn độc lập, chúng ta kiên quyết tổ chức kháng chiến ở Nam Bộ. Bên cạnh đó, Đảng và Bác đã có những sách lược hết sức quan trọng với các nước đồng minh, như: Hòa với Tưởng để đánh Pháp, sau đó, khi tình hình kẻ thù thay đổi, chúng ta ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 với Pháp nhằm mục đích thúc đẩy quân Tưởng về nước và có thời gian chuẩn bị cho kháng chiến. Có thể nói, tình hình đất nước thời điểm đó trong hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc". Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, chúng ta từng bước vượt qua nhiều khó khăn, "con thuyền cách mạng Việt Nam đã vượt qua thác gềnh mà lướt tới", tranh thủ thời gian chuẩn bị để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

 

- Thưa Phó Giáo sư, mặc dù khó khăn như vậy, Đảng và Bác vẫn quyết tâm xây dựng một nhà nước pháp quyền, "bộ máy Chính phủ từ T.Ư đến địa phương phải là công bộc của dân, phục vụ nhân dân"?

 

Bên cạnh việc cải thiện đời sống nhân dân và đối phó với kẻ thù, chúng ta còn phải tập trung xây dựng chính quyền mới. Quan trọng nhất là việc tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên vào ngày 6/1/1946. Ngày 2/3/1946, Quốc hội khóa I đã họp phiên thứ nhất chỉ định Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm 12 thành viên. Tại các địa phương, nhân dân cũng bầu ra Hội đồng nhân dân các cấp, để từ đó cử ra Ủy ban Hành chính thay cho Ủy ban lâm thời được thành lập sau Tổng khởi nghĩa. Ngày 9/11/1946, trong phiên họp thứ hai, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta. Việc thành lập Chính phủ chính thức và bản Hiến pháp đầu tiên ra đời có ý nghĩa rất quan trọng, từ đây, tính hợp hiến và hợp pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được xác lập. Điều đó, không những xác định cơ sở thực tế mà còn là cơ sở pháp lý của Nhà nước trong đối nội và đối ngoại.

 

Bài học xây dựng Nhà nước pháp quyền và trọng dụng người tài - Ảnh 1
Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc- Ảnh: Thành Công

Có thể nói, trong một thời gian rất ngắn, trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng Đảng và Bác đã lãnh đạo đất nước làm được một khối lượng công việc to lớn. Đặc biệt, trong công tác xây dựng nhà nước buổi ban đầu, Đảng và Bác Hồ đặc biệt chú ý xây dựng nhà nước pháp quyền, quản lý nhà nước bằng pháp luật, củng cố tính pháp lý quốc tế của Nhà nước. Điều này được thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp đầu tiên. Khi quản lý chính quyền, Bác Hồ luôn nhắc nhở cán bộ các cấp, phải loại bỏ những phần tử cơ hội, loại trừ tiêu cực, tư túi bè phái. Xác định chắc chắn nhiệm vụ của Nhà nước là phục vụ dân chứ không phải cai trị dân. Bác từng nói: "Các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc đến làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân, như thời thống trị của Pháp, Nhật".

 

Nóng hổi việc trọng dụng người tài

 

- Mặc dù chính quyền được thành lập còn rất non trẻ, nhưng Bác Hồ vẫn mời những quan chức cấp cao của Triều đình Huế và những nhân sĩ trí thức trong nước và người Việt ở nước ngoài về tham gia chính quyền và sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Theo Phó Giáo sư, từ đâu Bác lại có lòng tin như vậy?

 

- Bởi vì Bác có niềm tin vào tinh thần yêu nước của mỗi người Việt Nam, đặc biệt là trí thức. Bác biết là những trí thức chân chính, dù có ở trong bộ máy chính quyền cũ, nhưng họ vẫn khát khao độc lập, tự do cho đất nước. Do vậy Bác đã sử dụng, trọng dụng họ một cách chân thành. Vì sự chân thành đó và tấm lòng vì đại nghĩa, vì dân tộc của Bác, nhiều nhân sĩ, trí thức như Nguyễn Văn Tố, Vũ Trọng Khánh, Vũ Đình Hòe, Phan Kế Toại, Hùynh Thúc Kháng... đã đồng ý tham gia Chính phủ; nhiều trí thức người Việt ở nước ngoài đã cùng theo Bác về phục vụ cách mạng như Trần Đại Nghĩa ở Pháp... Giữa Bác và những người trí thức yêu nước thời kỳ đó đều có một mục tiêu chung là để phụng sự dân tộc, phụng sự đất nước.

 

- Khi giao trách nhiệm cho người tài, Bác luôn tuyệt đối tin tưởng vào họ. Vì sao sau này khi chính quyền đã mạnh hơn mà chúng ta không phải lúc nào cũng làm được như vậy?

 

Đúng vậy, khi giao nhiệm vụ, Bác tuyệt đối tin tưởng. Thí dụ, trước khi đi Pháp, Bác đã tin tưởng trao quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, hay kỹ sư Trần Đại Nghĩa từ Pháp về được Bác giao cho phụ trách ngành quân giới, bác sĩ Tôn Thất Tùng cũng được Bác tin dùng, giao cho những công việc quan trọng. Có thể thấy, những trí thức trong nước cũng như ở nước ngoài về, khi họ chấp nhận đến với cách mạng, có người được giao trọng trách trong Chính phủ, người được giao những việc khác, nhưng tất cả đều hết lòng với công việc, hết lòng với sự nghiệp kháng chiến. Điều này cho thấy sự tin tưởng giao việc của Bác cho các nhân sĩ, trí thức thời đó có nhiều điều cho chúng ta phải suy ngẫm để tin cậy và trọng dụng đội ngũ trí thức hiện nay theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa X...

 

Sau này, có những lúc chúng ta quá cứng nhắc trong đường lối tổ chức cán bộ, nặng về thành phần giai cấp, về lý lịch hoặc chưa tin tưởng vào cán bộ khiến mất đi nhiều người tài, người tâm huyết với đất nước...

 

- Xin cảm ơn ông!

 

 

Thắng lợi lớn nhất, triệt để nhất của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là đánh đổ chế độ nô lệ, xây dựng nhà nước kiểu mới, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Cuộc bầu cử Quốc hội tháng 1/1946 và sau đó là thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu là một bước đi có tính chiến lược. Bài học lớn trong xây dựng nhà nước của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự xác định bản chất nhà nước cách mạng. Sự thống nhất bản chất cách mạng và bản chất nhân dân của Nhà nước Việt Nam với mục tiêu cao cả: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc".

 Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần