Bài toán khó ở vựa chuối Hoàng Kim

Bài, ảnh: Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tổng diện tích canh tác trên 200ha, xã Hoàng Kim (huyện Mê Linh) được xem là “thủ phủ” của cây chuối.

Địa phương phấn đấu đưa loại cây trồng này trở thành một sản phẩm chủ lực trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” mà TP Hà Nội đang tích cực triển khai.
 Chăm sóc chuối tại vùng bãi sông Hồng thuộc huyện Mê Linh.
Chạy dọc đê tả sông Hồng đoạn qua địa phận xã Hoàng Kim, đập vào mắt là vựa chuối xanh rì, rộng ngút tầm mắt. Những buồng chuối sai trĩu quả đang dần chuyển màu vàng ươm bắt mắt. Theo nhiều bà con nông dân nơi đây, chuối tiêu hồng và chuối tây hiện là hai loại chuối được trồng chủ yếu.
Nhờ đặc tính dễ chăm sóc, cũng không quá tốn kém chi phí thuốc bảo vệ thực vật nên giá trị từ cây chuối mang lại khá cao. Trung bình mỗi sào canh tác chuối vùng bãi ven sông, bà con nông dân xã Hoàng Kim thu về trên 30 triệu đồng.
Nhưng điều đặc biệt nhất tại xã Hoàng Kim là người nông dân nơi đây gần như không phải lo lắng về đầu ra cho nông sản. Điều này có được là nhờ Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hoàng Kim đã làm rất tốt khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chuối với một số DN.
Các DN này không chỉ hỗ trợ bà con nông dân trong quá trình canh tác, mà còn thu mua đến 90% tổng sản lượng chuối. Trước mỗi vụ thu hoạch khoảng hai tháng, hàng trăm héc-ta chuối vùng bãi sông Hồng đều sớm “có chủ”.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Kim Kiều Đức Hạnh, nông nghiệp hiện vẫn mang lại nguồn thu quan trọng cho người nông dân tại địa phương. Ở đó, giá trị kinh tế từ cây chuối mang lại đóng vai trò rất quan trọng đối với một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Nhận thức được điều đó, những năm qua, xã Hoàng Kim đã tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, chủ động bố trí kinh phí nâng cấp hạ tầng vùng sản xuất chuối ven bãi sông Hồng. Nhờ đó, việc vận chuyển chuối từ vùng bãi đi tiêu thụ bằng các loại xe chuyên chở lớn khá dễ dàng. Quan trọng hơn là giúp giảm thiểu thấp nhất thiệt hại trong trường hợp chuối bị dập, nát.
Ông Hạnh cũng thông tin thêm, địa phương đang phấn đấu đưa cây chuối trở thành một sản phẩm chủ lực, thiết thực triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) mà TP Hà Nội đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc triển khai.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa được mục tiêu này, địa phương cần tiếp tục giải quyết hai bài toán, đó là cơ sở hạ tầng và liên kết sản xuất – tiêu thụ. Thực tế, hệ thống đường giao thông và tưới tiêu nước tại vùng bãi sông Hồng hiện vẫn chưa đồng bộ. Trong khi, bà con nông dân cũng không thể chỉ trông chờ vào một vài DN hỗ trợ bao tiêu.
Chính vì vậy, ông Hạnh mong muốn các cấp, ban ngành TP tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn nội tại, sớm đưa chuối Hoàng Kim trở thành sản phẩm đặc trưng, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.