Bài toán không dễ

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Phải đẩy nhanh tiến độ di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ sở ô nhiễm; kiên quyết thu hồi các diện tích đất sau khi di dời để xây dựng công trình công cộng như công viên, trường học...”, đó là vấn đề được cử tri quận Hoàn Kiếm đặt ra trong cuộc tiếp xúc với các đại biểu HĐND TP hôm qua.

Đây có lẽ không phải là một kiến nghị mới, bởi liên tục được nhắc đến trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội và HĐND TP.
 Các bộ, ngành di dời chậm chạp, không bàn giao quỹ đất lại cho Hà Nội
Quyết tâm phải thực hiện bằng được việc di dời trụ sở các bộ, ngành. Quỹ đất sau khi di dời phải dành cho công trình công cộng và giao thông tĩnh... nhưng cho tới nay hầu như không đạt được hiệu quả. Bởi như cử tri phản ánh, hiện nay diện tích cũ của các bộ, ngành sau khi di dời lại được các đơn vị cho thuê kinh doanh, phục vụ lợi ích của một số người. Và trả lời ý kiến cử tri, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, việc di dời các cơ quan ra ngoài 4 quận nội thành là thực hiện theo quyết định của Chính phủ từ năm 1997. Tuy nhiên, dù đã có hàng loạt các bộ, ngành di dời nhưng từ đó đến nay TP Hà Nội chưa thu được một khu đất nào để xây dựng công viên hay bãi đỗ xe...
Phải xác định quyết liệt rằng, di dời các bộ ngành để làm giảm ùn tắc giao thông trong nội đô, giảm ô nhiễm môi trường và lấy khoảng diện tích các bộ để lại để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nội đô. Thực tế cũng cho thấy, đến nay không ít bộ, ngành đã thực hiện di dời nhưng quỹ đất sau di dời được sử dụng làm cơ sở 2 hoặc lập dự án đầu tư xây dựng kinh doanh, thương mại, không bàn giao quỹ đất sau di dời cho TP để quản lý, khai thác bổ sung hạ tầng xã hội và kỹ thuật… Công tác di dời các cơ sở công nghiệp cũng còn manh mún do gặp khó khăn về tài chính, cơ chế chính sách hỗ trợ, hình thức di dời, việc bàn giao quỹ đất sau di dời cho TP. Câu chuyện “hậu di dời” trụ sở bộ, ngành cũng liên tiếp được đưa ra bàn thảo, tìm hướng giải quyết, tính toán để sử đụng “các khu đất vàng” sao vừa hợp quy hoạch vừa thực hiện được mục tiêu giảm áp lực dân cư và giao thông. Bởi thực tế, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất đã từng di chuyển, ngoài tránh ô nhiễm môi trường thì áp lực về giãn dân và giao thông ùn tắc không những giảm mà còn gia tăng khi chính trên khu đất vàng lại mọc lên hàng chục tòa nhà cao tầng, thậm chí cả khu đô thị mới.
Di dời các bộ, ngành, cơ sở ra khỏi nội đô, dành đất cho Hà Nội thực hiện các công trình dân sinh có vẻ là một câu chuyện cũ luôn mới. Ngay cả việc  di dời các bệnh viện, đúng như Chủ tịch UBND TP phân tích, “khi chúng ta di dời hết các bệnh viện ra ngoại thành như huyện Quốc Oai… thì mai kia người dân đi cấp cứu chữa bệnh thế nào? Các giáo sư, bác sĩ xuống dưới đó làm có thuận lợi hay không?”. Và như Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhận định, vấn đề trên hiện còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Bây giờ các bộ muốn chuyển phải có tiền đầu tư và cũng phải xác định được đầu tư khu đất cũ làm cái gì. Trong thời gian tới Thủ tướng sẽ đánh giá lại việc di chuyển các cơ sở.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc đánh giá lại một cách tổng thể việc di dời các cơ sở là cần thiết cho phù hợp với thực tế cũng như sự phát triển và chất lượng sống của người dân. Và điều cần quan tâm là quỹ đất các bộ, ngành để lại cần bàn giao cho TP Hà Nội quản lý, khai thác, sử dụng. Nếu như vậy Hà Nội mới quản lý được diện tích đất sau khi di dời để cân đối với các định hướng tổng thể để giải quyết khó khăn của mình chứ không phải để các bộ tự đề xuất vị trí đến và tự đề xuất sử dụng đất sau khi di dời. Đó là việc làm cần thiết góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần