Ban Bí thư yêu cầu xử nghiêm lái xe dùng ma túy, rượu bia gây tai nạn

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tất cả những vụ TNGT nguyên nhân trực tiếp do lái xe sử dụng đồ uống có cồn và ma túy sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong Kết luận số 45 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông vừa được Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành.
 Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng do tài xế sử dụng ma túy gây ra ở Hải Dương.
Việc ký ban hành Kết luận số 45 được thực hiện sau khi Ban Bí thư xem xét báo cáo của Đảng uỷ Công an Trung ương về việc sơ kết thực hiện Chỉ thị số 18, Ban Bí thư đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 18 đã đạt kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đánh giá của Ban Bí thư, hiện nay ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông có chuyển biến tích cực; số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đã được kiềm chế; Ùn tắc giao thông dần được cải thiện. Tuy nhiêntại một số địa phương, hiệu quả của việc này còn thấp.

Nguyên nhân của những hạn chế trên theo Ban Bí thư là do một số cấp uỷ, chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm sâu sát, thiếu kiểm tra, đôn đốc trong chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 18. Việc tổ chức thực hiện ở nhiều nơi còn mang tính hình thức. Quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, còn chưa phù hợp với tình hình giao thông hiện nay...

Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị số 18, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp quán triệt và thực hiện quyết liệt mục tiêu, yêu cầu giảm tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông, lập lại trật tự, an toàn giao thông.

Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cần phải được xác định là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Việc phân công quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông thực hiện theo đúng tinh thần "Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính", khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.

Ban Bí thư cũng yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước về giao thông vận tải, tập trung vào các lĩnh vực: Quy hoạch phát triển, xây dựng hạ tầng giao thông, khắc phục tình trạng mất cân đối giữa các loại hình vận tải; siết chặt công tác quản lý vận tải, gắn chặt chẽ trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải với người điều khiển phương tiện được chủ doanh nghiệp thuê. Chấn chỉnh công tác kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện và bảo vệ môi trường; quản lý có nền nếp hành lang an toàn giao thông, vỉa hè, đường phố. Có kế hoạch xử lý những "điểm đen" tai nạn giao thông, những nút thắt ùn tắc giao thông. Thực hiện các giải pháp phát triển giao thông công cộng, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân.

Đặc biệt, Ban Bí thư nhấn mạnh, các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, đặc biệt là hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma tuý hoặc các chất kích thích khác sẽ bị xử lý nghiêm. Cùng với đó, trách nhiệm của chủ phương tiện vận tải, trách nhiệm quản lý để lái xe gây ra hậu quả nghiêm trọng cũng phải được xem xét xử lý nghiêm khắc.

Ban Bí thư cũng yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đi đôi với cưỡng chế bắt buộc việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Đổi mới, quản lý tốt công tác đăng ký phương tiện giao thông theo hướng gắn chặt chẽ trách nhiệm chủ sở hữu phương tiện giao thông với trách nhiệm quản lý, sử dụng xe. Chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và có biện pháp quản lý chặt chẽ người điều khiển phương tiện giao thông; điều tra làm rõ và kiên quyết xử lý nghiêm khắc các đối tượng gây tai nạn giao thông.

Ban Bí thư lưu ý phải bố trí đủ lực lượng đảm đương được nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kiên quyết xử lý những sai phạm, tiêu cực trong hoạt động quản lý giao thông vận tải và quản lý trật tự, an toàn giao thông; gắn trách nhiệm trực tiếp của cơ quan và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với lĩnh vực được giao quản lý nếu để xảy ra vụ việc đặc biệt nghiêm trọng. Những nhiệm vụ này phải đặc biệt lưu tâm trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu do phương tiện giao thông tăng nhanh, tình hình trật tự, an toàn giao thông ngày càng phức tạp.

Ngoài ra, Ban Bí thư chỉ đạo cần ưu tiên đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ, hiện đại hoá công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là hệ thống giám sát, phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh nghiên cứu, tiến tới thực hiện xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống tài khoản ngân hàng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần