Đưa ra ánh sáng khu vực “kinh tế ngầm” khó thế nào?

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi họp báo công bố sơ bộ về Tổng điều tra kinh tế năm 2017 sáng 19/1, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, đơn vị đang đánh giá và tính toán khu vực kinh tế phi chính thức trong nền kinh tế để báo cáo Chính phủ.

Thống nhất quan điểm quản lý

Số liệu báo cáo về "kinh tế ngầm" - khu vực kinh tế chưa được thống kê, nhận được khá nhiều sự quan tâm. Trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng "kinh tế ngầm" diễn ra khắp mọi nơi trên thế giới với tỷ trọng từ 16 – 25% GDP của các quốc gia. Tại Việt Nam, con số có thể ở mức 30% GDP. Thống kê khu vực "kinh tế ngầm" để có cái nhìn toàn cảnh là cần thiết, song việc đưa ra ánh sáng khu vực này không dễ.
 Quản lý thị trường Hà Nội tiêu hủy thuốc lá nhập lậu. Ảnh: Hoài Nam.
Theo Tổng Cục Thống kê, khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố: Hoạt động kinh tế ngầm; Hoạt động kinh tế phi pháp; Hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; Hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu; Hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản. Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong 5 thành tố trên, cơ quan thống kê đã thu thập và điều tra trong nhiều năm với 3 thành tố gồm kinh tế phi chính thức (như hộ kinh doanh cá thể không có đăng ký kinh doanh, xe ôm…); hoạt động hộ gia đình tự sản tự tiêu; hoạt động kinh tế bị bỏ sót. Trong đó, hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu là do trong quá trình điều tra, nhiều đơn vị cung cấp thông tin không sát thực tế. “Đơn cử như có nhiều DN, hộ kinh doanh cá thể khai báo thấp, khai báo sai về doanh thu, nên đây sẽ là vấn đề được quan tâm để có biện pháp quản lý” - ông Lâm cho biết.

Đối với 2 hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp, theo ông Lâm, "không thể thu thập thông tin một cách chính thức". Theo yêu cầu của Bộ KH&ĐT, cơ quan thống kê có nhiệm vụ đánh giá, hoàn thiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để biên soạn số liệu phản ánh đầy đủ, toàn diện quy mô của nền kinh tế bao gồm cả phần kinh tế ngầm, phi chính thức, tự cung, tự cấp, tự tiêu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đề án mà cơ quan thống kê đang xây dựng và triển khai, sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành để thống nhất quan điểm trong quản lý với một số lĩnh vực như: Đánh bạc, mại dâm, buôn lậu… để quản lý cho phù hợp.

Tuy vậy, ước tính quy mô hoạt động kinh tế phi chính thức so với GDP, ông Lâm khẳng định con số đưa ra trước đây là 20 - 30% không đúng, hoạt động kinh tế phi chính thức không đến 30%. “Ở nước ngoài đánh bài, mại dâm là hợp pháp, trong khi đó ở ta là phi pháp. Ở ta khu vực kinh tế nông nghiệp chủ yếu là hộ gia đình, nên đã có thống kê rõ ràng. Không thể áp khu vực này vào tự sản tự tiêu. Do đó, cần xem lại phương pháp tính” - ông Lâm cho biết.

FDI doanh thu tăng, đóng góp ngân sách giảm

Theo Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 1/1/2017 cả nước có 5,9 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, trong đó có 518.000 DN. DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tới 98,2%. Số lượng DN lớn chiếm 1,9% tổng số DN (giảm 2,3% so với năm 2012), trong khi đó, DN vừa tăng 23,6%, DN nhỏ tăng 21,2% và DN siêu nhỏ tăng 65,5%. Điều này cho thấy xu hướng DNNVV tăng và xu hướng DN lớn giảm. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn so với khu vực và thế giới. “Điều này đòi hỏi chúng ta cần có các DN lớn có tính chuỗi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, số DN lớn này vẫn đếm trên đầu ngón tay và đang được nâng dần qua các năm, hy vọng thời gian tới Việt Nam sẽ có thêm nhiều DN có quy mô tăng lên” - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp Phạm Đình Thúy đánh giá.

Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượng DN FDI là 14,6 nghìn, tăng mạnh nhất với 54,2% so với thời điểm 1/1/2012. Hầu hết khu vực FDI đều là những DN có quy mô lớn, thu hút vốn lớn nhất lên tới 5,07 triệu tỷ đồng vốn cho sản xuất, kinh doanh (gấp 2,12 lần năm 2012). Bình quân giai đoạn 2012 - 2017 mỗi năm các DN FDI thu hút thêm 16,3% vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt doanh thu tăng nhanh từ 19,7 lên 27,6%. Riêng doanh thu 2016 gấp 2,37 lần năm 2011, bình quân giai đoạn 2011 - 2016 mỗi năm khu vực này tạo ra thêm 18,8% doanh thu. Tuy doanh thu tăng, nhưng khối này đóng góp cho ngân sách Nhà nước giảm từ 32,2% xuống còn 26%.

"Cơ cấu kinh tế chuyển dần sang hướng dịch vụ 70%, công nghiệp xây dựng 29% và nông nghiệp 1%. Nhìn chung lượng vốn và DN chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ còn 0,88% và giảm cả về số lượng DN, vốn, lao động, doanh thu... Hiện, nông nghiệp Việt Nam vẫn là sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự phát triển của DN lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Khu vực dịch vụ phần lớn là DN thương mại, nhìn vào cơ cấu cần có thay đổi để sản xuất, kinh doanh tốt hơn. " - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm