Bản chất Luật quy hoạch vẫn chưa chuẩn

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định của nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân xung quanh Dự thảo Luật Quy hoạch tại hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Quy hoạch trình tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV” do Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức vào sáng 31/5.

Theo ông Quân, dự thảo luật đề cập sắp xếp không gian kinh tế - xã hội (KT-XH). Không thể và không nên dùng bàn tay nhà nước sắp xếp. Sắp xếp và bố trí chỉ dùng trong quy hoạch vật thế.
Các chuyên gia đều cho rằng nên "phanh" luật quy hoạch lại.
Dẫn chứng phản biện, các chuyên gia cho rằng trên thế giới không có không gian KT-XH. Việc dùng khái niệm không chuẩn sẽ đưa ra những đề xuất không chuẩn. Thế giới chỉ có những quy hoạch vật thể, quy hoạch không gian dùng cho các điểm định cư con người, luôn đồng bộ với nhau gồm 3 loại chính: Quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn (mà Việt Nam gọi là quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn). Trên thế giới có khái niệm kế hoạch phát triển KT-XH, chiến lược phát triển KT-XH, không thể gọi đó là quy hoạch. Đó là loại hình phi vật thể. Song không có nghĩa là có quy hoạch vật thế, quy hoạch không gian thì sẽ có quy hoạch phi vật thể.

Thực tế, nếu muốn có một luật quy hoạch bao trùm lên quy hoạch đô thị nói riêng hay các quy hoạch ngành nói chung về mặt phương pháp luận cần được nghiên cứu, thực hiện một cách khoa học, tránh lẫn lộn ngay từ bản chất của Kế hoạch/quy hoạch KT-XH với Quy hoạch không gian. “Đến ngày 19/6, Luật quy hoạch nếu được Quốc hội bấm nút thông qua phải đủ năng lực bao trùm để tránh sự trồng chéo và đảm đương được đúng nhiệm vụ của mình. Bởi nếu một quyết sách không đúng sẽ kéo tụt lùi xã hội hàng nhiều năm. Đừng để 5, 10 năm nữa chúng ta lại phải ngồi chỉnh sửa những nội dung liên quan đến vấn đề quy hoạch”, PGS.TS Lưu Đức Hải - Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) nêu ý kiến.

KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phân tích: Dự luật quy hoạch còn rất nhiều vấn đề không ổn, nếu theo dự thảo sẽ vướng rất nhiều các luật khác dẫn đến “giậm chân tại chỗ”. Đặc biệt, về công tác quy hoạch, QHXD vùng, QHXD nông thôn sẽ ảnh hưởng rất lớn. Rất nhiều bộ luật khác phải điều chỉnh, phải thay đổi. Nếu chúng ta làm không đến nơi đến chốn thì rõ ràng ảnh hưởng đến quá trình quản lý xã hội thông qua các luật.

Theo bà Trần Thu Hằng - Phó vụ trưởng Vụ quy hoạch kiến trúc bộ xây dựng: “Quy hoạch xây dựng có tính liên thông, thống nhất giữa các cấp độ khác nhau (quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù). Quy hoạch xây dựng là công cụ pháp lý, công cụ quản lý nhà nước cơ bản để kiểm soát quá trình phát triển, quá trình xây dựng đô thị và nông thôn theo quy hoạch và có kế hoạch. Thế nhưng, dự thảo luật quy hoạch, các quy định về lĩnh vực quy hoạch xây dựng chưa được quy định rõ và còn thiếu. Cụ thể, không quy định về quy hoạch xây dựng trong hệ thống quy hoạch tại Việt Nam mà chỉ được nêu, xác định bằng quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là chưa đầy đủ.

“Có nhất thiết cần lập quy hoạch tổng thể quốc gia hay không? Nếu có, ai sẽ là người lập? Ai là người thẩm định quy hoạch mang tầm quốc gia? Luật chỉ cần “vênh” nhau một từ thôi cũng đã có những tác động tiêu cực đến đời sống. Huống hồ đây có đến hàng trăm luật, chưa kể Nghị đinh”, ông Đỗ Viết Chiến - Phó Tổng thư ký hiệp hội bất động sản Việt Nam khuyến nghị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần