Bán đảo Triều Tiên: Có mới nhưng không lạ

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bán đảo Triều Tiên trong những ngày vừa qua chứng kiến sự trở lại của tình trạng đối đầu gay cấn giữa hai miền. Mức độ quyết liệt của tình trạng đối đầu này leo thang nhanh chóng và đạt đỉnh điểm là Triều Tiên dọa sẽ áp dụng biện pháp quân sự đối với Hàn Quốc.

Nhưng rồi phía Triều Tiên lại chủ động cài số lùi. Các biện pháp quân sự bị hủy bỏ. Hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền đang được triển khai lắp đặt ở khu vực phi quân sự dọc giới tuyến quân sự tạm thời chưa làm xong đã bị gỡ bỏ. Triều Tiên chỉ tiến hành chiến dịch dùng bóng bay rải truyền đơn xuống vùng bên kia giới tuyến.
Trước đó, phía Triều Tiên đã quyết định ngừng hoạt động mọi đường dây liên lạc trực tiếp với Hàn Quốc và cho phá bỏ trụ sở Văn phòng liên lạc giữa hai miền đặt trong khu công nghiệp chung Keasong ở phía bên lãnh thổ Triều Tiên.

Khu vực biên giới Triều Tiên với Hàn Quốc. (Ảnh: YONHAP)

Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trở nên xấu đi rõ rệt mà nguyên nhân trên danh nghĩa chính thức chỉ là việc Triều Tiên phản ứng khi từ phía Hàn Quốc có chiến dịch thả bóng bay mang truyền đơn qua giới tuyến quân sự tạm thời bay sang phía Triều Tiên. Phía Triều Tiên cho rằng chính phủ Hàn Quốc đã không thực thi đầy đủ và tuân thủ nghiêm chỉnh lời văn cùng như tinh thần của Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm năm 2018 khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp nhau lần đầu tiên ở Bàn Môn Điếm.
Cũng vào dịp này, phía Triều Tiên tuyên bố không còn sẵn sàng tiếp tục tiến trình đối thoại hòa bình và hòa giải trực tiếp với Mỹ nữa và cũng loại trừ khả năng có cuộc gặp nhau mới giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cách đây đúng 2 năm, ông Trump và ông Kim Jong-un đã làm nên sự kiện lịch sử khi tiến hành cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên, cùng nhau đưa ra Tuyên bố chung Singapore. Năm 2019, hai người này còn gặp nhau ở Hà Nội và ở Bàn Môn Điếm. Ở Bàn Môn Điếm, ông Trump còn là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên.
So đặt những động thái vừa xảy ra vào diễn biến của mối quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ và với Hàn Quốc kể từ đầu năm 2018 trở lại đây thì trong cả hai cặp quan hệ song phương này hiện có nhiều nét mới mà hướng diễn biến của chúng đều là những bước lùi, nếu như không nhìn nhận đấy là sự đảo ngược. Nhưng nếu suy xét suy tính lợi ích chiến lược và cách tiếp cận của phía Triều Tiên vào cả hai tiến trình này thì sẽ lại thấy những động thái ấy không có gì lạ bởi đều đã được thể hiện ở thời trước khi hai tiến trình kia được khởi động.
Mục tiêu cao nhất và đồng thời cấp thiết nhất của Triều Tiên là thoát ra khỏi tình trạng bị bao vây, cấm vận và trừng phạt theo những nghị quyết của Liên Hợp quốc. Đối tượng chính mà Triều Tiên phải đối phó hàng đầu là Mỹ và xử lý quan hệ với Hàn Quốc chỉ là cách thức được Triều Tiên sử dụng để tác động tới mối quan hệ với Mỹ, để giúp mở ra khả năng tiếp xúc và đàm phán trực tiếp với Mỹ và để hậu thuẫn cũng như bổ xung cho việc bình thường hóa quan hệ của Triều Tiên với Mỹ.
Phía Mỹ đòi hỏi và phía Triều Tiên cũng thừa biết rằng không thể không đánh đổi chương trình hạt nhân và tên lửa để đạt được mục tiêu nói trên. Vấn đề mắc mớ lâu nay và hiện tại là ở chỗ vì hai bên chưa đủ mức thật sự tin cậy lẫn nhau nên không bên nào sẵn sàng đi bước trước.
Triều Tiên đã đơn phương ngừng thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa nhưng phía Mỹ vẫn chưa nhượng bộ gì trên phương diện nới lỏng hay hủy bỏ các biện pháp cấm vận và trừng phạt. Cho nên tình trạng này có lợi cho Mỹ và Hàn Quốc nhiều hơn và thiết thực hơn cho Triều Tiên và càng kéo dài thì sẽ càng thêm bất lợi cho Triều Tiên. Sự khác biệt nhau về ưu tiên trong chính sách của bộ ba này là một nguyên nhân khiến cho cả hai tiến trình đều không tiến triển được.
Mỹ và Triều Tiên bế tắc ý tưởng giải pháp cho các vấn đề đặt ra đối với Mỹ và Triều Tiên là nguyên nhân khác. Ở Hàn Quốc, ông Moon Jae-in phải tập trung hàng đầu cho việc ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Ở Mỹ, ông Trump cũng bị thách thức tương tự, lại phải xử lý cuộc khủng hoảng chính trị xã hội hiện tại và phải lo liệu mọi cách để được tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Cho nên phải khi dịch bệnh đi qua và sau cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ thì bối cảnh tình hình mới thay đổi cơ bản trên phương diện tác động trực tiếp tới cả hai tiến trình hoà bình và hòa giải giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc.
Để giảm thiểu tối đa mọi bất lợi đối với mình, Triều Tiên phải làm cho chuyện quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc thời sự trở lại, buộc Mỹ và Hàn Quốc phải quan tâm cao độ và thực chất hơn. Như thời trước năm 2018. Làm găng và tỏ thái độ cứng rắn nhưng không để tiến trình đã có bị đổ vỡ. Cảnh báo và răn đe quyết liệt nhưng vẫn giữ dư địa để tiến trình luôn có thể đột ngột tiếp tục tiến triển.