Bán đảo Triều Tiên: Suy tính cũ trong chuyện mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyên bố của Triều Tiên về thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch đã bị thế giới bên ngoài phản đối mạnh mẽ cho dù chưa xác thực được có thật Triều Tiên đã thử nghiệm bom nhiệt hạch hay không.

Nhưng dù đó không phải là vụ thử bom nhiệt hạch thì cũng là vụ thử nghiệm hạt nhân thứ tư của Triều Tiên trong hơn 10 năm qua, bất chấp mọi sự phản đối và lo ngại của thế giới bên ngoài, bất chấp những biện pháp trừng phạt của Liên Hợp quốc (LHQ) và một số đối tác khác. Tất cả những đối tác này đều không thể không coi là lại bị Triều Tiên thách thức một lần nữa.
Bán đảo Triều Tiên: Suy tính cũ trong chuyện mới - Ảnh 1
Chuyện này về biểu hiện bề ngoài thì có nét mới, nhưng thực chất bên trong vẫn là dền dứ giữa các bên liên quan để tạo ưu thế và giữ thể diện cho khi đi vào đàm phán với nhau. Hay nói cách khác, mục đích và những suy tính đối sách của các bên vẫn như trước. Chương trình hạt nhân với cả những nội dung như thử nghiệm hạt nhân và vũ khí hạt nhân là con chủ bài chiến lược duy nhất mà Triều Tiên có thể sử dụng được trong cả quan hệ với hai đối tác quan trọng nhất đối với nước này là Mỹ và Trung Quốc. Trong suy tính của Triều Tiên, mối quan hệ với Trung Quốc có thể không được êm thấm nhưng không đến mức gây nguy hại trong khi coi Mỹ mới là mối đe doạ chính. Xử lý ổn thoả quan hệ với Mỹ thì Triều Tiên cũng sẽ xử lý ổn thoả được quan hệ với tất cả những đối tác khác, đặc biệt với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Triều Tiên làm găng với Mỹ là chính và qua đó dần dần làm cho tất cả những đối tác kia trở thành con tin của cặp quan hệ song phương này.

Cách phản ứng của thế giới bên ngoài trong thực chất về cơ bản cũng chưa thấy có gì mới. Tông điệu chung là lo ngại và không đồng tình. HĐBA LHQ và Mỹ tính chuyện gia tăng và xiết chặt thêm những biện pháp trừng phạt. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc còn tăng cường thêm những biện pháp răn đe và cảnh báo Triều Tiên như biểu lộ công khai mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược gắn bó, phối hợp hành động quân sự ở khu vực Đông Bắc Á và tăng cường vũ trang. Việc Mỹ cho máy bay ném bom chiến lược bay trên không phận của Hàn Quốc là một trong những biểu hiện đó. Rồi đây sẽ còn có việc họ triển khai thêm vũ khí ở khu vực hay tập trận chung. Mô thức suy tính đối phó của họ là ăn miếng trả miến Triều Tiên, leo thang căng thẳng và đối đầu.

Đương nhiên không thể nói sau những động thái nói trên thì cục diện tình hình chính trị an ninh ở khu vực này vẫn như trước. Nhưng vì các bên quá hiểu nhau, có không thiếu kinh nghiệm trong đối phó lẫn nhau và rất thông thạo trong việc bắt vở nhau nên tất cả đều ý thức được giới hạn của chính mình. Đàm phán nhằm giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ, tạo dựng hoà bình lâu bền và giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân của Triều Tiên tuy có khó khăn hơn trước, nhưng hoàn toàn không phải không còn cơ hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần