Bàn giao mẫu vật Rùa Hồ Gươm: Làm nổi bật giá trị di sản Thủ đô

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/3, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bàn giao tiêu bản rùa Hồ Gươm cho Sở VH&TT Hà Nội sau gần ba năm bảo quản, chế tác. Việc hoàn thành tiêu bản rùa Hồ Gươm và trưng bày mẫu vật tại đền Ngọc Sơn không chỉ lưu giữ được nguyên vẹn mẫu vật mà còn có tác dụng quảng bá biểu tượng lịch sử dựng nước và giữ nước của người dân Việt Nam, qua đó thu hút khách du lịch tới Thủ đô.

 Tiêu bản rùa Hồ Gươm cuối cùng trưng bày ở đền Ngọc Sơn. Ảnh: Ngọc Thanh
Kỳ công chế tác, bảo quản

Rùa Hồ Gươm là động vật quý hiếm của Thủ đô, gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu sau khi giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh nên được Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Năm 2016, khi rùa Hồ Gươm bị chết, UBND TP Hà Nội giao Sở KH&CN Hà Nội triển khai bảo quản mẫu vật.

Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết: Tham khảo các cơ quan chuyên môn, Sở đã chọn phương pháp chế tác nguyên mẫu rùa Hồ Gươm do các chuyên gia của hệ thống bảo tàng CHLB Đức trực tiếp thực hiện. Rùa Hồ Gươm thuộc mẫu vật lớn nhất được bảo quản từ trước đến nay và được coi là cá thể rùa Hoàn Kiếm cuối cùng ở Hồ Gươm nên quá trình làm tiêu bản được thực hiện cẩn trọng, tỉ mỉ, bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình thái, màu sắc, kể cả những phần khó như diềm mai cấu tạo bằng sụn. Chế tác mắt rùa là khâu quan trọng và khó nhất vì mắt thể hiện hồn của mẫu vật. Để làm được việc này các chuyên gia Đức phải nghiên cứu trên website, đo đạc, nhìn ảnh rùa Hoàn Kiếm lúc còn sống, nhìn vân, con ngươi, ánh mắt để khi làm xong, đôi mắt sẽ tạo ra được thần thái như mong muốn. Sau 4 đợt chế tác, tháng 4/2018, các nhà khoa học đã hoàn thành việc chế tác mẫu vật có kích thước dài 2,08m, rộng 1,1m giống rùa Hồ Gươm khi còn sống từng chi tiết.

Để bảo quản, trưng bày mẫu vật rùa Hồ Gươm lâu dài, tủ bảo quản phải đặt hàng công ty Glasbau Hahn (CHLB Đức) chế tác bằng kính chịu lực siêu trong, chống phản xạ ánh sáng và đèn flash, khống chế được các điều kiện ngoại cảnh như bụi, ánh sáng trắng, tia cực tím có thể ảnh hưởng mẫu vật... đem đến cho người quan sát hình ảnh chân thực nhất về mẫu vật. Tủ cũng có hệ thống máy làm sạch không khí và điều chỉnh độ ẩm phù hợp.

Thu hút thêm khách du lịch

Rùa Hồ Gươm và Hồ Gươm là biểu tượng mang giá trị lịch sử và tâm linh của Thủ đô. Từ năm 1967 tiêu bản rùa Hồ Gươm, trưng bày tại đền Ngọc Sơn đã được hàng triệu du khách trong nước, quốc tế đến chiêm ngưỡng. Vì vậy, việc hoàn thành, trưng bày tiêu bản thứ 2 tại địa điểm này sẽ tạo cơ hội cho TP Hà Nội quảng bá lịch sử, văn hóa, thu hút khách du lịch.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam Phan Kế Long cho biết: Mẫu vật rùa Hồ Gươm thuộc loại độc đáo trên thế giới nên được hệ thống các bảo tàng và chính quyền CHLB Đức rất quan tâm. Dự kiến tháng 4/2019, Thủ hiến bang Thüringen Bodo Ramelow cùng hơn 100 đại biểu khác sẽ đến tham quan mẫu vật rùa trưng bày tại đền Ngọc Sơn. Phát biểu tại Lễ bàn giao tủ bảo quản, trưng bày và mẫu vật rùa Hồ Gươm (ngày 16/3), Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn nêu rõ: Việc trưng bày, bảo quản mẫu vật rùa Hồ Gươm tại di tích lịch sử đền Ngọc Sơn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy giá trị tâm linh, di tích Quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm - đền Ngọc Sơn, không gian phố đi bộ cũng như phục vụ nghiên cứu khoa học, thăm quan của du khách. Trong thời gian tới UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nghiên cứu, đề xuất phương án trùng tu, phục chế mẫu vật rùa Hồ Gươm năm 1967 để bảo quản, trưng bày lâu dài cùng mẫu vật rùa năm 2016.

Việc bảo tồn, trưng bày mẫu vật rùa Hồ Gươm tại đền Ngọc Sơn sẽ góp phần thu hút du khách, tuy nhiên khu vực trưng bày đang thiếu bảng thuyết minh lịch sử hiện vật bằng 2 thứ tiếng Việt - Anh, đây là việc mà ngành văn hóa cần khắc phục.