Bán hàng online - cảnh giác thủ đoạn lừa đảo mới

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công an cảnh báo, thời gian gần đây xuất hiện tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet với phương thức thủ đoạn mới. Các đối tượng lừa đảo trao đổi, giao dịch mua bán với người bán hàng online qua mạng xã hội Zalo, Facebook… để chiếm đoạt tiền.

Các đối tượng lừa đảo dẫn dụ bị hại đăng nhập vào đường link website giả mạo.
Mất tiền cũng không thấy hàng
Theo trình báo của chị Vũ Thị Kim T. (trú tại TP Vũng Tàu), chị bán hàng online trên Facebook với các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe. Ngày 13/5, chị nhận được tin nhắn người quen giới thiệu khách hàng có tài khoản Facebook “Minh Quý Bùi” muốn mua hàng, đang thực hiện thủ tục chuyển tiền. Đồng thời, chị được đề nghị truy cập đường link, nhập số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP để nhận tiền. Tuy nhiên, sau khi thực hiện theo các hướng dẫn, chị T. phát hiện tài khoản tiết kiệm online của chị bị tất toán và rút mất số tiền 50 triệu đồng để chuyển sang tài khoản khác. Một phút sau, chị T. lại phát hiện bị tất toán một tài khoản tiết kiệm khác với số tiền hơn 20 triệu đồng. Lúc này chị T. mới phát hiện là mình bị lừa nên lập tức ngắt cuộc gọi, đến Vietcombank đề nghị khóa thẻ, tài khoản, nên không bị mất số tiền này. Tuy nhiên số tiền 50 triệu đồng bị tất toán trước đó đã được chuyển sang tài khoản khác nên không thu hồi được.
Một trường hợp tương tự xảy ra trước đó, nạn nhân là anh Bùi Xuân Thành (trú tại TP Vũng Tàu). Theo trình bày, anh Thành kinh doanh sản phẩm máy hút chân không qua mạng. Ngày 1/4, anh Thành nhận được lời mời kết bạn từ Zalo tên “Khuat Duy Chuc” và nhắn tin mua máy hút chân không. Tài khoản “Khuat Duy Chuc” nói đang ở Australia và muốn mua máy gửi cho bạn ở TP Quy Nhơn, yêu cầu anh Thành cung cấp số tài khoản ngân hàng và số điện thoại để chuyển khoản trước. Sau khi thực hiện các yêu cầu của khách hàng, anh Thành kiểm tra tài khoản VPbank của mình thì thấy bị trừ số tiền 20 triệu đồng.
Trong khi đó, ngày 8/6, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa phá chuyên án, bắt giữ 11 người (trong đó có 7 người quốc tịch Nigeria và 4 người Việt Nam) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet. Trước đó, bà C.T.N.H. (TP Huế) trình báo về việc bị một người nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt số tiền 3,9 tỷ đồng. Từ thông tin do bà H. cung cấp, cơ quan công an đã lần theo dấu vết dòng tiền tại các ngân hàng, phát hiện số tiền 3,9 tỷ đồng của bà H. được chuyển vào nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau. Nhóm này khai nhận chịu sự chỉ đạo của Dalaxy Dave (người Nigeria, hiện ở tại Campuchia) điều hành đường dây lừa đảo này. Thủ đoạn của nhóm là sử dụng các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo... kết bạn với các bị hại người Việt Nam để lừa đảo. Nhóm này đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 120 tỷ đồng của nhiều nạn nhân trên cả nước như Huế, Thanh Hóa, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Quảng Nam…
Và những cảnh báo
Liên quan những vụ việc tương tự thế này, Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn mới của các đối tượng tội phạm nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân, đặc biệt đối với những người bán hàng online và các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ. Cụ thể, các đối tượng giả là người Việt Nam ở nước ngoài, đặt mua hàng của người kinh doanh trong nước. Sau đó, thông qua điện thoại di động hoặc mạng xã hội, tội phạm gửi tin nhắn đường link giả mạo website của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union, dẫn dắt các bị hại đăng nhập để rút tiền mà các bị hại tin rằng các đối tượng chuyển để thanh toán mua hàng.
Bộ Công an cảnh báo, người bán hàng online, các cá nhân kinh doanh cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện giao dịch chuyển tiền; tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác. Đối với các tài khoản công khai dùng để giao dịch online, người kinh doanh cần hạn chế số tiền dư quá lớn, tránh để các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Khi phát hiện hành vi lừa đảo, Bộ Công an đề nghị người dân cần thông báo ngay đến cơ quan công an để được hướng dẫn giải quyết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần