Ban hành khung tiêu chí đánh giá hàng tháng cán bộ, công chức, viên chức: Lực đẩy nâng chất lượng đội ngũ cán bộ

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành và đưa vào triển khai Quy định khung tiêu chí đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng (CB, CC, VC, LĐ) trong hệ thống chính trị TP. Với những tiêu chí, thang điểm rõ ràng, như nhiều ý kiến nhận định, đây sẽ là cơ sở quan trọng để định lượng chất lượng đội ngũ, khắc phục sự hình thức, cào bằng khi đánh giá.

 Cán bộ UBND huyện Quốc Oai hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Phạm Hùng
Không cào bằng
Tiêu chí chung chung, chưa được lượng hóa cụ thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến công tác đánh giá, lựa chọn cán bộ nhiều nơi còn hình thức. Tuy nhiên, thực tế tại Hà Nội thời gian qua, yêu cầu đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng thực chất đã luôn được các cấp ủy, chính quyền thực hiện một cách bài bản. Không ít mô hình đã đem lại hiệu quả cao trong thực tế, khắc phục được tình trạng hình thức khi đánh giá.

Kinh nghiệm tại huyện Đông Anh là một ví dụ điển hình cho việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Huyện đã xây dựng 14 cột đánh giá cụ thể với từng thang điểm cho các đơn vị, ngoài ra còn thêm "thuốc bổ trợ” các xã đánh giá ngược lên các phòng, ban để tránh tình trạng xuôi chiều. Ban Thường vụ đưa ra thêm “điểm liệt” cho những việc đích thân lãnh đạo huyện trực tiếp chỉ đạo nhưng cơ sở không chuyển biến hoặc làm theo kiểu đối phó.
Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong:

Giúp việc đánh giá cán bộ dễ dàng, xác thực hơn

Quy định Thành ủy mới ban hành đã thể hiện được những tiêu chí rõ ràng, cụ thể và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, bộ máy từng đơn vị. Bên cạnh đó, nếu thực hiện việc đánh giá CB, CC, VC, LĐ theo khung tiêu chí này sẽ làm rõ được ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu của từng người về cả phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật…

Tôi hy vọng rằng khi Quy định được thực thi, chất lượng đội ngũ CB, CC. VC, LĐ trong hệ thống chính trị của TP sẽ chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Đồng thời, việc đánh giá, xếp loại này cũng phân loại được rõ ràng năng lực của đội ngũ và là động lực để thu hút người tài, có tâm, có tầm cống hiến cho nền công vụ của TP. Đặc biệt, với việc quy định thang điểm cụ thể sẽ giúp việc đánh giá của từng cơ quan, đơn vị dễ dàng hơn. (Trần Long ghi)
Lãnh đạo huyện Đông Anh cho biết, thời gian đầu áp dụng mô hình này, vẫn còn tình trạng đánh giá nể nang và có đến 50% phải yêu cầu làm lại, thậm chí có nơi bày tỏ thái độ khó chịu. Tuy nhiên, bằng thái độ quyết liệt và kiên trì, tình hình đã chuyển biến, công việc hiệu quả, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức được nâng lên.

Quận Long Biên cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong đánh giá cán bộ hàng tháng với mô hình khoa học, đúng hướng và hiệu quả. Tại quận, 100% đơn vị, cá nhân xây dựng kế hoạch công tác, lịch tuần, xác định rõ nhiệm vụ, tiến độ và trách nhiệm cá nhân, làm cơ sở để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Việc đánh giá cán bộ cũng đổi mới theo nguyên tắc ai giao việc thì người đó đánh giá. Bí thư Quận ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải cho biết: Công tác đánh giá cán bộ được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, trong đó lượng hóa bằng các biểu điểm cụ thể trên các mặt, từ nhiệm vụ chuyên môn đến đạo đức, lối sống, tinh thần thái độ làm việc. Sự bài bản, chặt chẽ này đã giúp tạo chuyển biến quan trọng cho đội ngũ CB, CC, LĐ, để từ đó nâng cao chất lượng công việc.

Rõ ràng, nếu việc thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, cấp ủy, chính quyền sẽ hưởng lợi rất nhiều: Công việc “chạy”, hiệu quả nâng lên. Bởi nói kỷ cương, kỷ luật nếu chỉ tìm ở sự tự giác không dễ, phải “cột” bằng quy chế, quy định rõ ràng, tránh tình trạng cào bằng giữa người làm tốt với người làm đủng đỉnh. Đánh giá tốt sẽ tạo được lực đẩy để giúp nâng cao năng lực cán bộ, công chức, tìm được người tài, tâm huyết cho công việc và loại những người tạo nên sức ì cho bộ máy.

Thúc đẩy hiệu quả công việc

Tại cuộc triển khai Quy định khung tiêu chí đánh giá CB, CC, VC, LĐ vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã nhấn mạnh: Đây là nội dung mới được Thành ủy triển khai trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của các đơn vị trên địa bàn TP, đồng thời, cũng là sự chủ động của Thành ủy Hà Nội thực hiện 1 trong 8 nhiệm vụ của Nghị quyết 26-NQ/TƯ (Khóa XII) về công tác cán bộ.

Sau khi TP triển khai, các địa phương, cơ quan, đơn vị cũng khẳng định, căn cứ tiêu chuẩn khung sẽ nhanh chóng xây dựng kế hoạch phù hợp với đặc thù tình hình địa phương, đơn vị, quán triệt, triển khai đến đội ngũ CB, CC,VC, LĐ để đưa vào thực hiện từ tháng 7/2018.
 Thang điểm 100 làm căn cứ đánh giá, xếp loại, gồm: 20 điểm về ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức; 70 điểm về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và 10 điểm thưởng.
Nhiều ý kiến nhận định, những quy định này đã lượng hóa những tiêu chuẩn cụ thể, tránh việc cảm tính trước đây, kỳ vọng sẽ là một bước tiến lớn, một “liều thuốc tốt” để phát huy kinh nghiệm của những đơn vị đã làm tốt; chấm dứt hoàn toàn sự hình thức, nể nang khi đánh giá CB, CC, VC trong không ít đơn vị.
Theo Quy định, cấp nào, người nào trực tiếp lãnh đạo, giao việc, thì đồng thời thực hiện nhận xét, đánh giá, xếp loại. Quy định khung cũng đưa ra những tiêu chí cụ thể về thang điểm 100 làm căn cứ đánh giá, xếp loại, gồm: 20 điểm về ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức; 70 điểm về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và 10 điểm thưởng. Kết quả đánh giá, xếp loại hàng tháng không chỉ là căn cứ để xếp thi đua, khen thưởng mà còn là một trong những cơ sở để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng.

Quy định này khi được triển khai chắn chắn sẽ đảm bảo công tác đánh giá, phân loại đúng thực chất. Đây không chỉ là thước đo để các cơ quan, đơn vị đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng CB, CC, VC, LĐ, mà còn là mục tiêu để mỗi người phấn đấu; là căn cứ để đánh giá lẫn nhau để nâng hiệu quả công việc. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) nhận định: Nếu thực hiện hiệu quả, bài bản, khoa học, những tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng sẽ giúp cho công tác đánh giá CB, CC, VC, LĐ có căn cứ cụ thể hơn, đảm bảo sự minh bạch, chính xác. Việc soi chiếu theo các tiêu chí gắn với việc thường xuyên, định kỳ hàng tháng, sẽ giúp phát hiện những cán bộ làm tốt, xứng đáng để tiếp tục bồi dưỡng, còn những ai có những hạn chế, thậm chí là mắc khuyết điểm cũng sẽ có cơ hội để tự sửa đổi, vươn lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc.
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu:

Đảm bảo tính khách quan, dân chủ

Đây là việc đánh giá của người đứng đầu với cán bộ của mình hàng tháng, rất cần thiết. Qua đó, tạo điều kiện cho các cán bộ nhận ra những ưu điểm, hạn chế và khắc phục ngay trong tháng sau, hiệu quả công việc tốt hơn. Bên cạnh đó, việc đánh giá công tác theo tháng sẽ cộng dồn kết quả và thành tích của cán bộ cho một quý hoặc cho 6 tháng, cả năm. Cuối năm cộng dồn thông tin, số liệu sẽ thành kết quả, không mất nhiều thời gian đánh giá cuối năm.

Sau khi nhận được TP triển khai, quận quyết tâm triển khai quyết liệt, nghiêm túc theo đúng trình tự của TP, đảm bảo tính khách quan, dân chủ. Vừa động viên, khen thưởng kịp thời CB, CC, VC trong một tháng có thành tích tốt, đồng thời, nhắc nhở những người còn hạn chế. Sự đánh giá công tác hàng tháng sẽ công khai dân chủ trong từng tập thể. (Hồng Thái ghi)
Trưởng phòng VH&TT quận Hoàng Mai Đinh Văn Long:

Trụ cột để đánh giá năng lực cán bộ

Khung tiêu chí này có thể coi là “xương sống”, trụ cột chính để đánh giá năng lực, trình độ của CB, CC, VC, LĐ một cách công khai và minh bạch. Không chỉ như vậy, đây sẽ là cơ sở để tham chiếu, đánh giá cán bộ trong một số lĩnh vực, nội dung khác, cụ thể như đánh giá việc thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử của TP. Khi UBND quận Hoàng Mai xây dựng kế hoạch thực hiện và cụ thể hóa khung tiêu chí đánh giá CB, CC, VC, LĐ phù hợp với điều kiện của quận, các phòng ban chuyên môn chúng tôi sẽ thực hiện đánh giá cán bộ một cách nghiêm túc. (Việt An ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần