Băn khoăn lao động xuất khẩu đóng bảo hiểm xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 22% của 2 lần mức lương cơ sở là mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài kể từ 1/1/2016.

Người lao động lo lắng về số tiền phải “gánh” thêm, nhưng các chuyên gia BHXH lại cho rằng, đây là cách để lo lợi ích lâu dài, sau khi người lao động về nước.
Băn khoăn

Anh Trần Văn Thìn (Khoái Châu, Hưng Yên) sang Nhật Bản làm việc trong ngành nông nghiệp đến nay đã được 6 tháng. Anh Thìn để lại cho bố mẹ già và vợ con khoản nợ lên đến gần 150 triệu đồng chi phí để được sang Nhật. Trước lúc đi, anh đã tính, theo luật BHXH 2006 sẽ không phải đóng thêm khoản chi phí nào, do trước đó anh không tham gia BHXH. Nhẩm tính với số tiền lương 17 triệu đồng/tháng, sau khi gửi về trả tiền vốn và tiền lãi đã vay, anh chỉ còn lại khoảng 3 triệu đồng để chi tiêu cá nhân. Khi biết quy định mới, anh Thìn không khỏi lo lắng vì nằm trong diện bắt buộc đóng BHXH và từ nay phải “gánh” khoản chi phí nữa lên đến gần 6 triệu đồng/năm. Như vậy với hợp đồng lao động 3 năm, tổng số tiền mà anh Thìn phải đóng sẽ đến 18 triệu đồng. “Đi làm 3 năm mất hơn một năm để trả nợ, giờ thêm bất cứ khoản đóng góp nào là lại thêm một gánh nặng cho gia đình” - anh Thìn ngậm ngùi.
Làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội.  	Ảnh: Thảo Linh
Làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội. Ảnh: Thảo Linh
Không chỉ là gánh nặng tiền bạc, anh Thìn còn băn khoăn vì theo quy định, số tiền BHXH gần 5 ngàn đồng mỗi tháng mà anh đóng chỉ để hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất chứ không phải 5 chế độ như những lao động trong nước. Trong khi đó, tại Nhật Bản, anh cũng phải cùng DN ở nước này đóng một khoản phí BHXH không nhỏ, trong đó có cả bảo hiểm hưu trí.

Cùng tâm trạng này, ông Vũ Văn Hùng (Gia Lộc, Hải Dương) cho rằng, quy định đóng BHXH trong nước có phần “hơi thừa”. Bởi lẽ, con trai ông đang đi lao động xuất khẩu bên Đài Loan mỗi tháng cũng đã phải đóng gần 400.000 đồng/tháng tại nước sở tại. Hơn nữa, các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế tại nước này đều rất tốt như hỗ trợ tiền cho người lao động khi bố mẹ mất – điều mà BHXH Việt Nam chưa làm được.

Những khúc mắc của anh Trần Văn Thìn, ông Vũ Văn Hùng cũng là nỗi băn khoăn của cả người lao động cũng như các DN xuất khẩu lao động, nhất là khi thông tư hướng dẫn cụ thể vẫn chưa được ban hành.

 Lo lợi ích lâu dài
Bộ LĐTB&XH đang xúc tiến đàm phán các hiệp định tương hỗ về BHXH với một số quốc gia có đông người Việt Nam sang lao động
Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ BHXH

Trước những băn khoăn của người lao động, bà Trần Thị Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTB&XH cho biết, không phải tất cả quốc gia tiếp nhận lao động Việt Nam đều có các chế độ BHXH bắt buộc về hưu trí và tử tuất. Hơn nữa, sau khi về nước, những người này có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện hoặc bảo hiểm bắt buộc nếu tiếp tục làm việc có lương. Như vậy, theo quy định mới người lao động nước ngoài sau khi về nước vẫn có thể được hưởng lương hưu khi về già.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân An -  Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam khẳng định, quy định mới hướng đến mục tiêu an sinh xã hội, lo lợi ích lâu dài cho người lao động. Hơn nữa, hình thức đóng cũng được điều chỉnh linh hoạt. Theo ông An, người lao động có thể đóng một lần nhưng cũng có thể đóng 3 tháng, 6 tháng thậm chí một năm tùy thuộc vào khả năng và sự lựa chọn. Họ có thể đóng trực tiếp với cơ quan BHXH nơi cư trú hoặc đóng qua DN, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, bà Trần Thị Thúy Nga cho biết thêm, đến năm 2018, người nước ngoài được cấp giấy phép làm việc tại Việt Nam cũng phải tham gia BHXH bắt buộc.